Một phụ nữ Argentina vẫn sinh con dù đã ghép tim

Một người phụ nữ ở Argentina đã sinh hạ một bé gái dù trước đó đã được ghép tim, sau khi đã mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Các bác sỹ Argentina hôm 29/1 cho biết một người phụ nữ ở nước này, cô Juliana Finondo, đã sinh hạ một bé gái dù đã được ghép tim, sau khi đã mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm. Sinh con sau khi ghép tạng luôn là việc đem lại rủi ro cao, bởi các loại thuốc chống đào thải khiến việc mang thai trở nên khó khăn và chưa ai rõ tác động mà thai nhi phải nhận ra sao. "Không có dữ liệu nào trên thế giới về việc một bệnh nhân ghép tạng đã mang thai thông qua hoạt động thụ tinh ống nghiệm" - Gustavo Leguizamon, lãnh đạo trung tâm thai nghén rủi ro cao ở Buenos Aires, nơi diễn ra ca sinh nở, cho biết. Rủi ro còn lớn hơn với các bệnh nhân tim vì phụ nữ sử dụng tăng tới 40% lượng máu trong quá trình mang thai, khiến tim gặp áp lực lớn. Leguizamon nói rằng "máu có thể không được đưa đủ tới tử cung khiến đưa trẻ lớn ít hơn bình thường" và khả năng sinh non là khá cao. Ngoài ra, hoạt động thụ tinh ống nghiệm còn khiến tình hình phức tạp hơn. Nhưng điều đó không ngăn cản Juliana Finondo, 39 tuổi, theo đuổi giấc mơ làm mẹ. "Tôi chưa bao giờ thấy sợ. Có thể vì tôi quá lạc quan" - cô nói. Finondo là một nhà thiết kế đồ họa tới từ Đông Argentina và hiện sống ở Buenos Aires. Cô đã phẫu thuật ghép tim vào năm 1999. Khi đó, các bác sỹ nói rằng cô không nên mang thai sau phẫu thuật. Một thập kỷ sau, cô đã thử mang thai, nhưng các hoạt động thụ thai tự nhiên đã không thành công sau hainăm. Tình trạng vô sinh/khó thụ thai có thể là tác dụng phụ tới từ các loại thuốc chống đào thải mà những bệnh nhân ghép tạng sử dụng. Các chuyên gia nói rằng thuốc chống đào thải sẽ ngăn chặn sự phát triển của các tế bào tăng trưởng nhanh, gồm những tế bào đóng vai trò cần thiết cho việc thụ thai. Vì thế sau khi sau khi đã kiểm tra để đảm bảo rằng cơ thể Finondo không thể hiện dấu hiệu đào thải quả tim, các bác sỹ đã phác thảo ra một kế hoạch điều trị đặc biệt, trong đó cô sẽ dùng bớt các loại thuốc đảo thải và uống thêm thuốc cần cho việc thụ tinh ống nghiệm. May mắn thay, Finondo đã mang bầu trong lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên. Sau 9 tháng được giám sát chặt chẽ, đứa con gái khỏe mạnh của cô là Emilia đã chào đời vào ngày 15/1.

Juliana Finondo cùng chồng hôn đứa con đầu lòng. (Nguồn: AFP)
Bác sỹ tim của Finondo, Sergio Perrone, nói rằng trường hợp của cô đã đánh tan các định kiến về những hạn chế của cuộc sống sau ghép tạng. "Ngày hôm nay, bệnh nhân ghép tạng đã có một cuộc sống tuyệt vời, tốt hơn nhiều người ta tưởng" - Perrone nói. Ông hy vọng câu chuyện cũng khuyến khích những người khác sẽ cân nhắc việc hiến tạng bởi hoạt động này "giúp cứu một mạng sống và từ đây lại sinh thêm ra nhiều cuộc sống khác." Ông nói rằng bé Emilia rồi sẽ trở thành một bà mẹ khi lớn lên. Tại Argentina, trong năm 2012 chỉ có 630 người hiến tạng cho 1.458 bệnh nhân, tức khoảng 15,7 người hiến tạng/1 triệu người. Nhưng hiện vẫn còn 7.290 bệnh nhân đang nằm trong danh sách chờ hiến tạng./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục