"Bạo tay" diễn sex để hấp dẫn hay dung tục?

Có rất nhiều những chi tiết, lời thoại được nhiều người xem là "quá bạo tay" trên sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đầy.

Có rất nhiều những chi tiết, lời thoại được nhiều người xem là "quá bạo tay" trên sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đầy.

Người đàn ông bụng to ngồi trên giường đưa đẩy: "Anh có nhiều cây viết trên người, cây nào cũng ở trong thế... sẵn sàng". Cô gái ưỡn ẹo vì mãi ông chưa chịu ký vào bản hợp đồng: "Bút lâu ngày không dùng nên cạn mực chứ gì?". Cô đề nghị được giúp, vừa thổi, vừa ngậm vào cây bút viết ấy,  kéo lên kéo xuống. Người đàn ông đỏ mặt sững sờ, cô giải thích: "Hồi nhỏ viết hết mực, em toàn làm thế này không à". Khán giả cười nghiêng ngả. Con gái đi xem cùng mẹ, quay sang hỏi: "Sao lại cười, cười vì cái gì hả mẹ?". Mẹ đỏ  mặt, không biết giải thích với con thế nào. Tuy đã  ở tuổi 18, nhưng những chuyện như thế vẫn "quá người lớn" so với độ tuổi của cô.

Một khán giả người Mỹ gốc Việt sau khi xem xong những cảnh này cũng phải đỏ mặt bảo rằng: Sân khấu (kịch) Mỹ cũng không dám "bạo tay" đến như vậy, thậm chí còn bị... cấm. Nhưng giờ đây khán giả được "cung ứng" một cách thường xuyên những chi tiết ấy đến nỗi không cảm thấy "lấn cấn" gì.

Một số người còn tán thưởng nhiệt liệt, khi chứng kiến bốn cô gái Sát thủ hai mảnh cởi đồ trên sân khấu với châm ngôn: "Ở đâu có áo tắm ở đó có đàn ông". Họ được đạo diễn đặt trước các tình huống sẵn sàng nhảy xổ vào đối tượng và xưng hô "mày, tao", "con này, con kia". Thậm chí chửi "Bà mẹ mày!", "Bà nội mày"... Phụ nữ gần như có thể "ăn tươi nuốt sống" đàn ông với ngôn từ,  hành động trần tục nhất có thể, thậm chí đè nhau ra một trắng trợn trên sân khấu, hôn hít bạo liệt. Bốn cô gái được đặt trong giả định khi thế giới này chỉ còn lại một người đàn ông, cần sự phô trương cơ thể để thu hút họ (có vẻ) rất hợp lý. Họ là những sát thủ, tính cách  mạnh mẽ, quyết liệt (cũng không sai). Thế nhưng, phụ nữ có cần phải thô tục đến như vậy?

Và cũng không mấy thuyết phục khi ta chỉ có chuyện bốn người phụ nữ giành nhau việc tạo ra một người đàn ông cho mình mà phải mất thời gian cả tiếng đồng hồ để đối chất lòng vòng với nhau, chửi qua chửi lại bằng những câu đầy ẩn ý, có lúc lập ngôn một cách rất "bản năng": "Không có phần thân thì chuyện ấy là thế  nào?", "Có những chuyện đàn ông  làm bằng đầu còn tuyệt vời hơn những chỗ khác"... Nhân vật diễn những câu thoại ấy với gương mặt cười tủm tỉm, mắt đá nghiêng. Nếu họ trong sáng và xét theo chân lý "người nói không có tội, người nghĩ mới có tội" thì rõ ràng lỗi thuộc về khán giả. Vì sao khi nghe những câu nói ấy, khán  giả đỏ  mặt nhưng có người vẫn vỗ đùi cười hả hê?

Giới tính nên được hiểu thế  nào?

Một thực tế khác, liệu có phải sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh thiếu diễn viên nữ đủ tài năng đến mức các nam diễn viên phải liên tục giả  gái từ sân khấu người lớn đến thiếu nhi? Chắc chắn không.

Sự ủng hộ dành cho Thanh Thủy, Ái Như, Hồng Vân, Thúy Nga, Việt Hương... đủ để chứng minh họ có chỗ đứng trong lòng khán giả. Thế nhưng một số bộ phận khán  giả khẳng định họ thích xem Thành Lộc, Hoài Linh giả gái. Họ được mãn nhãn với khả  năng hóa trang,  khoái trá nghe những ngôn từ nhẹ nhàng bằng giọng nói ồm oàm, được cười thoải mái với những tình huống trớ trêu do "cô gái" trong thân thể đàn ông mang  lại... Khán giả là thượng đế, khi họ thích thì nhu cầu được cung ứng một cách tuyệt đối. Nhiều kịch bản được đẻ ra có nhân vật như thế để diễn viên "tung tài", dù thực sự, chẳng cần đến mức phải cải trang mới nói lên được cái hay của câu chuyện.

Xem đã đời Thành Lộc trong vai cô gái "đánh vật" với  Tuấn Khải, Huy Khánh  trên giường, cùng hàng trăm những chiêu trò, tình huống gây cười, có người thấy "đã". Họ thậm chí bị thuyết phục vì câu nói "Tôi thương em" cuối vở, của một nhân vật nam dành cho một nhân vật nam khác. Có người không phản đối chuyện "trên giường" ở sân khấu, nhưng cho rằng những gì diễn ra dưới bàn tay đạo diễn có phần kệch cỡm.

Với tư cách người lớn,  những bậc cha mẹ sẽ giải thích thế  nào khi bé thắc mắc: "Vì sao con trai lại thích "thương" con trai?". Tệ hơn, nó không hỏi người  lớn, mà  mặc định trong lòng  rằng điều đó là hiển nhiên. Những bậc phụ huynh sẽ nghĩ gì khi  nhìn con của mình xem kịch thiếu nhi,  nhao nhao: "Chú Thành Lộc kìa", "chú Hữu Châu kìa"... cười hồn nhiên với những câu nói, hành động trên sân khấu của họ và thản nhiên chấp nhận đó là... nữ. Giả là diễn viên đã diễn quá đạt nhân vật của mình, trong lòng khán giả không còn khoảng cách giữa những người diễn và nhân vật nữa. Thế nhưng, người lớn sẽ phải giải thích thế nào với con, trước câu hỏi: "Vì sao cô Thanh Thủy, Lê Khánh không đóng vai đó?". Họ sẽ suy nghĩ thế nào khi một ngày thấy con trai của mình bắt chước thần tượng cài hoa lên đầu, mặc áo đầm, õng ẹo...?

Nghệ thuật có khác... thuốc lắc?


Nhiều bài báo và cả những người trong cuộc cho rằng sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh "thuần" giải trí, phục vụ nhu cầu  khán  giả thích thoải mái, không nhiều triết lý, nặng suy nghĩ. Điều đó có lẽ không sai, nếu như nó không tạo ra thực tế đi kèm, một lớp khán giả chỉ "chịu" cười với những câu nói tục, yếu tố tình dục, giới tính..., thích sự phóng túng, bỗ bã trên sân khấu.

Chưa bàn đến chức năng sâu xa của nghệ thuật là "giáo dục", "định hướng", "dự báo"..., chỉ mới chạm tới yếu tố "gây cười", giải trí của kịch Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, không ít người yêu kịch nói thực sự thấy e ngại. Người làm nghệ thuật vuốt ve, nuông chiều khán giả đã đành (để đạt doanh thu), nhưng kéo thấp thẩm mỹ của khán giả, thậm chí dung tục để  lấy tiếng cười (sinh lý) thì xem hơi... phóng túng, lạm dụng quá mức chức  năng "gây cười" của nghệ thuật.

Nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu tức thời, chỉ để cười vui thôi, thì thử đặt vài câu hỏi đơn  giản cho tương lai: Một thế hệ trẻ con lớn lên với thói quen "dị biệt", một thế hệ khán giả chỉ cần "sảng khoái"  là đủ - gần như không biết thưởng thức nghệ thuật kịch nói  nữa. Vậy thì nghệ thuật có khác gì một... liều thuốc lắc?


 (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục