Oxfam kêu gọi giải ngân các dự án của Palestine

Tổ chức Oxfam đã kêu gọi EU giải ngân cho các dự án phát triển của Palestine ở Bờ Tây ngay cả khi không có sự cho phép từ Israel.
Tổ chức từ thiện Oxfam đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giải ngân cho các dự án phát triển của Palestine ở Bờ Tây ngay cả khi không có sự cho phép từ Israel.

Một báo cáo của Oxfam về hoạt động định cư của Israel và những ảnh hưởng của hoạt động đó đến người Palestine ở Thung lũng Jordan, được công bố ngày 4/7, cho rằng các bên tài trợ cần thúc đẩy cung cấp tài chính cho các dự án phát triển ở Thung lũng Jordan và những nơi khác ở Vùng C mà Israel kiểm soát của người Palestine, ngay cả khi những dự án đó không được chính quyền Ixraen thông qua.

EU hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính quyền Palestine, song mức tài trợ vẫn thấp hơn nhiều so với những ủng hộ về quân sự và kinh tế của Mỹ dành cho Israel.

Theo Thỏa thuận hòa bình Oslo năm 1993, Bờ Tây được chia thành 3 vùng: Vùng A (chỉ chiếm 18% khu Bờ Tây) thuộc Palestine, Vùng B (chiếm 21% Bờ Tây) thuộc kiểm soát của Israel nhưng do Palestine quản lý, và Vùng C (chiếm 61% diện tích khu Bờ Tây) do Israel kiểm soát.

Báo cáo của Oxfam cho biết có tới 90% diện tích Thung lũng Jordan được xếp vào Vùng C, và hiện chỉ có khoảng 6% diện tích đất đai ở đây có thể sử dụng được, nhưng chính quyền Israel chỉ cho phép người Palestine sử dụng và phát triển chưa đến 1%.

Báo cáo nhấn mạnh: "Những hạn chế của Israel đối với việc người Palestine sử dụng đất đai, nguồn nước và phát triển ở Thung lũng Jordan khiến cuộc sống của người Palestine càng khó khăn hơn, trong khi lại giúp các khu định cư Israel gần đó thịnh vượng."

Oxfam cho biết có 9.500 người Israel định cư ở Thung lũng Jordan trong khi số người Palestine tại đây là 66.000 người.

Theo ước tính của Oxfam, kinh tế Palestine có thể thu thêm 1 tỷ USD mỗi năm từ nông nghiệp nếu những hạn chế về đất đai, nguồn nước và hoạt động đi lại của người Palestine ở Thung lũng Jordan được dỡ bỏ.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Lao động Palestine Ahmed Majdalani cho biết chính quyền Palestine ở Bờ Tây đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi được thành lập năm 1994.

Cũng trong ngày 4/7, phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế “Tự do cho Al-Quds và Palestine” tại Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Indonesia Marzuki Alie đã một lần nữa khẳng định chính phủ nước này sẽ mở lãnh sự quán tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây nhằm tăng cường ủng hộ cho nền độc lập của Palestine.

Ông Alie nhấn mạnh sự cần thiết phải mở lãnh sự quán tại Ramallah nhằm thể hiện quan điểm của Inđônêxia ủng hộ nhất quán và có nguyên tắc đối với quyền và nguyện vọng chính đáng nhân dân Palestine về một Nhà nước Palestine độc lập.

Hội nghị quốc tế “Tự do cho Al-Quds và Palestine” diễn ra trong hai ngày 4-5/7 với sự tham gia của các nhà hoạt động nhân quyền, đại sứ các nước Hồi giáo tại Indonesia và các diễn giả đến từ nhiều nước trên thế giới nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Palestine. Các khuyến nghị của hội nghị sẽ được gửi tới Liên hợp quốc trong phiên họp Đại hội đồng vào tháng 10 tới. Trong số 106 thành viên tham dự Hội nghị Á-Phi đầu tiên được tổ chức ở Bandung năm 1955, Palestine là thành viên duy nhất đến nay chưa giành được độc lập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục