Phát triển kinh tế biển vẫn còn nhiều thách thức

Tuy có nhiều tiềm năng, song khó khăn lớn trong phát triển kinh tế biển VN là về tài chính, nhân lực, hệ thống thiết bị hiện đại.
Tại hội thảo “Kinh tế biển Việt Nam – Cơ hội và thách thức” tổ chức vào 24/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA) nhận định, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đều muốn phát triển kinh tế biển, tạo sự kết nối giao thông thuận lợi theo hướng vươn ra biển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển kinh tế biển là nguồn lực về tài chính, nhân lực, các hệ thống thiết bị hiện đại… đồng thời phải tạo được sự liên kết giữa những cửa ngõ của các tỉnh, thành để khai thác hiệu quả kinh tế biển khu vực.

Trong những năm trở lại đây, kinh tế biển Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể bao gồm vận tải biển, quốc phòng, du lịch, các dịch vụ logistics…, tuy nhiên những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của quốc gia.

Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, dầu khí, khai thác và chế biến thủy-hải sản, dịch vụ hàng hóa mới chỉ phát triển ở quy mô vừa và nhỏ.

Hiện trạng phát triển kinh tế biển còn khá khiêm tốn ở một số lĩnh vực như đánh bắt nuôi trồng hải sản còn ven bờ với phương tiện, kỹ thuật chưa hiện đại; ngành vận tải biển chỉ mới chiếm khoảng 20% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia; so với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động kinh tế biển Việt Nam còn hạn chế…

Ông Nguyễn Tuấn Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết phát triển kinh tế biển Việt Nam có ba vùng, đó là vùng không gian biển (mặt nước, tầng nước, đáy biển và bầu trời trên biển); vùng bờ biển (vùng cận bờ với các cảng biển, bãi biển, thành phố và khu kinh tế ven biển) và vùng duyên hải (nơi phát triển các lĩnh vực hậu cần cho kinh tế biển và các khu vực kết nối).

Do đó cần có kế hoạch chiến lược tổng thể, để tăng cường phát triển kinh tế biển thông qua việc xây dựng hệ thống các khu phức hợp với cảng cửa ngõ quốc gia, mô hình đô thị kinh tế-sinh thái, hệ thống cung ứng dịch vụ, khu công nghiệp tập trung liền kề…

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, tiềm năng lớn nhất trong phát triển kinh tế biển là hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ cho hành lang kinh tế Đông Tây (Bangkok-Thành phố Hồ Chí Minh) với đô thị kinh tế cảng Thạnh An-Cần Giờ; khu kinh tế mở Cần Giờ-Hiệp Phước; hệ thống dịch vụ, đào tạo, nghiên cứu Cần Giờ-Nhơn Trạch-Long Sơn và hệ thống khu công nghiệp tập trung cận cảng./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục