Phát triển thương mại biên giới VN-Campuchia

Hợp tác thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia góp phần phát triển quan hệ hợp tác hai nước sâu rộng, thực chất, hiệu quả và tin cậy hơn.
Hợp tác thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ hợp tác hai nước ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất, có hiệu quả và tin cậy hơn.

Đánh giá này được nêu tại Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 3 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/5, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được trên lĩnh vực hợp tác thương mại biên giới, thảo luận sâu sắc và toàn diện các biện pháp, hình thức hợp tác cụ thể nhằm tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế-thương mại biên giới; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình giao thương, kết nối, ký kết hợp đồng hợp tác, mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước.

Thời gian qua, hoạt động thương mại biên giới đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam-Campuchia.

Năm 2009, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu song tổng kim ngạch thương mại biên giới giữa hai nước vẫn tăng khoảng 30% so với năm trước. 3 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 432,47 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2009.

10 cặp cửa khẩu quốc tế, 12 cặp cửa khẩu chính và 25 cặp cửa khẩu phụ giữa hai nước đã được mở, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội qua biên giới hai nước.

Nhiều khu kinh tế cửa khẩu được thành lập, trở thành trung tâm kinh tế-thương mại của vùng biên. Cơ sở hạ tầng về giao thông, thương mại được xây dựng đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh qua biên giới; các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, tệ nạn xã hội trên tuyến biên giới hai nước từng bước được đẩy lùi, an ninh biên giới chung ngày càng củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết như các thủ tục hành chính tại cửa khẩu vẫn còn bất cập; cơ sở hạ tầng hai bên chưa đồng bộ; chưa có cơ chế hỗ trợ thương nhân, phát triển mặt hàng, phương thức kinh doanh, phương thức thanh toán trong thương mại biên giới hai nước; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch chưa được quan tâm đúng mức, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Hội nghị cũng trao đổi ý kiến về các nội dung, biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới như tìm giải pháp nhằm đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính tại các cửa khẩu biên giới; kiến nghị Chính phủ hai nước tăng cường hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực biên giới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục