Cuối tháng 11 xử lý dứt điểm lượng thịt "bẩn"

Dự kiến đến cuối tháng 11, tất cả số thịt đông lạnh "bẩn", gồm hơn 430 tấn thịt nhiễm khuẩn và đã qua chiếu xạ, sẽ được xử lý dứt điểm.
Sau khi phát hiện dấu hiệu doanh nghiệp cố tình bán thịt nhiễm vi sinh ra thị trường, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố nhanh chóng có chế tài xử lý đối với số thịt "bẩn" đang nằm trong các kho lạnh của doanh nghiệp.

Trước tình hình này, Trung tâm thú y vùng VI (Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dự kiến đến cuối tháng 11, tất cả các lô thịt "bẩn" sẽ được xử lý dứt điểm.

Nguy cơ "phát tán"

Theo Trung tâm thú y vùng VI, lượng thịt đã qua chiếu xạ trong kho lạnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 88.788 kg. Ngoài ra, thịt đông lạnh bị phát hiện nhiễm vi sinh buộc phải tái xuất là 342 tấn của 8 doanh nghiệp.

Trong đó, Công ty Việt Phong có trên 60 tấn dồi trường và gần 20 tấn cánh, chân gà nằm ở kho Liên Hiệp (quận Tân Phú), Công ty Intimex Thành phố Hồ Chí Minh có 43 tấn cánh gà nằm ở kho Nhan Hòa (huyện Bình Chánh), Công ty Thái Hòa 57 tấn cánh gà, Công ty Seaprodex Sài Gòn 56 tấn thịt trâu nằm ở kho Sea Sài Gòn (tỉnh Bình Dương), Công ty Song Nam 27 tấn thịt gà xay nằm ở kho An Lạc…

Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù số thịt nhiễm khuẩn và qua chiếu xạ được các cơ quan chức năng yêu cầu phải giữ nguyên, không được thay đổi số lượng để chờ xử lý với sự giám sát của cơ quan thú y, nhưng trên thực tế số thịt này rất khó kiểm soát và có nguy cơ bị tẩu tán ra thị trường.

Điển hình là vụ vi phạm của Công ty An Hải Ký (Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) với lô hàng thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ bị phát hiện có nhiễm vi sinh. Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã yêu cầu doanh nghiệp này bảo quản lô hàng, không được phép xuất bán ra thị trường hay tự ý làm thay đổi khối lượng. Tuy nhiên, công ty Anh Hải Ký vẫn tìm cách tẩu tán số hàng này.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này, theo ông Thảo, là do chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm còn quá nhẹ, chỉ bị xử phạt 29 triệu đồng cho một vụ vi phạm là quá thấp so với giá trị lô hàng và lợi nhuận doanh nghiệp thu được.

Sẽ xử lý dứt điểm

Hiện tại, việc xử lý hơn 300 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm vi sinh đang như đứng ở ngã 3 đường bởi cả 2 giải pháp là tiêu hủy và tái xuất đều đang rất khó khăn.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt bị nhiễm khuẩn như Công ty Thái Hòa, Công ty Việt Phong đã làm thủ tục tái xuất nhưng ngay sau đó, đối tác xuất khẩu không nhận lại hàng vì họ cho rằng doanh nghiệp đã "mua đứt bán đoạn".

Ngoài ra, một số lô hàng vốn không phải xuất đến Việt Nam mà là xuất sang một nước khác, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã mua lại về tiêu thụ tại thị trường nội địa, vì vậy các hóa đơn chứng từ không phù hợp nên không thể tái xuất.

Trong khi tái xuất khó như vậy, việc tiêu hủy cũng không dễ dàng. Theo tính toán của Trung tâm thú y vùng VI, để tiêu hủy một tấn thịt phải mất khoảng 7 triệu đồng, như vậy muốn tiêu hủy 342 tấn thịt "bẩn", số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 2,3 tỷ đồng. Vì vậy, một số doanh nghiệp vẫn đang "xin" thêm thời gian để tìm đối tác tái xuất những lô thịt "bẩn".

Trước thông tin đã có doanh nghiệp lét lút tuồn thịt bẩn ra thị trường, ngày 23 và 24/10, Trung tâm thú y vùng VI phối hợp với thú y Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra toàn bộ kho lạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, bước đầu chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Ông Phạm Xuân Thảo đề xuất biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm, theo đó ngoài việc không cho phép doanh nghiệp mang hàng về kho của mình để bảo quản như trước, từ 1/10, tất cả các lô hàng là sản phẩm động vật đều phải được bảo quản ở kho hải quan, sau khi kiểm tra đủ tiêu chuẩn mới được hoàn tất thủ tục nhập khẩu mang hàng về.

Đồng thời, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị không cấp giấy phép cho nhập khẩu hoặc đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư rút giấy phép của doanh nghiệp vi phạm.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm thú y vùng VI cho biết thêm, để ngăn chặn thịt "bẩn" bị tuồn ra thị trường, Cục Thú y đã đưa ra thời hạn xử lý dứt điểm đối với số thịt "bẩn" nói trên là cuối tháng 11/2009.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn hơn một tháng nữa để tìm hướng tái xuất, tiêu hủy số thịt "bẩn" đang tồn tại trong kho./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục