Châu Á ứng phó tốt nếu tái khủng hoảng kinh tế

Tạp chí Nhà kinh tế của anh cho rằng, nếu kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái, châu Á sẽ ứng phó tốt hơn cuộc khủng hoảng trước.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh) ngày 27/7 dự báo mức tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á (trừ Nhật Bản) trong năm 2010 có thể đạt 7,5%.

Châu Á dường như đã thoát khỏi suy thoái khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí một số nước đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục. Nếu nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái trong năm 2011, châu Á sẽ ứng phó tốt hơn so với những gì đã thể hiện trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính vừa qua.

EIU cho rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của châu Á như xuất khẩu tăng, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực; các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ; dự trữ hàng trong kho tăng trở lại. Tuy nhiên, EIU cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực châu Á đang chậm lại.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á giảm xuống mức bền vững là điều tốt bởi sự tăng trưởng quá nhanh cộng với chính sách tiền tệ được nới lỏng đã tạo ra những lo ngại về việc bong bóng tài sản đang hình thành cả trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Trước những lo ngại về việc châu Á sẽ bị tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ bán tài sản ở các thị trường đang nổi có rủi ro, trong đó có châu Á, để mua trái phiếu của Mỹ và Đức ít rủi ro hơn, EIU cho rằng sự phục hồi kinh tế của châu Á là mạnh mẽ và lòng tin của các nhà đầu tư đối với khu vực này vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vững chắc cũng sẽ giúp các nước châu Á có điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trường hợp xuất khẩu suy giảm trở lại.

Mặc dù điều kiện tài chính đã xấu đi trong vài năm qua, nhưng hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn đủ khả năng tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nếu cần. Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Á đều trong điều kiện vững chắc, không nắm nhiều nợ của các nước phát triển đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục