FDI trở lại Việt Nam

Dòng vốn FDI đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam

Đã có 5,4 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, điều này chứng tỏ dòng vốn FDI đang được khơi thông sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2010 nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ khả quan hơn. Nhiều tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài có dự án ở Việt Nam đang có xu hướng quay trở lại thực hiện dự án sau một thời gian dài tạm ngưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này đã góp phần thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng qua.

Cơ sở để vượt


Hiếm có năm nào tình hình diễn biến khả quan như năm nay khi ngay từ những tháng đầu năm, tốc độ giải ngân đã đạt mức rất cao. Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 5,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2009. Bình quân mỗi tháng giải ngân vốn FDI của Việt Nam đạt khoảng 900 triệu USD.

Cuối năm 2009, do cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới nên một số dự án FDI đã được cấp phép tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nguồn vốn từ công ty mẹ. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm ngưng triển khai các dự án đã bắt đầu khởi động trở lại.

Tập đoàn Uni-President (Đài Loan) là một ví dụ, sau mấy tháng trì hoãn, đầu năm 2010 Tập đoàn Uni-President đã làm lễ khởi công cụm các nhà máy bột mì, mì ăn liền, thức ăn chăn nuôi thủy sản và gia súc trên diện tích 13ha tại Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam). Dự án có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào đầu năm 2011 và cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu 400.000 tấn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Còn Dự án thép Guang Lian-Dung Quất với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD thuộc Công ty Guang Lian Steel (Đài Loan) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tăng công suất thiết kế từ 5 lên 7 triệu tấn sản phẩm/năm sau hơn ba năm đình trệ.

Ngoài ra, Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) - một nhà cung cấp dịch vụ sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới - cũng đã công bố dự án đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động ở miền Bắc với công suất ước tính là 89 triệu máy/năm.

Không dừng lại ở đó, nhà đầu tư đến từ Đài Loan này cũng đang xúc tiến lại việc triển khai dự án hạ tầng quần thể khu công nghệ cao - đô thị Tràng Cát, thành phố Hải Phòng thông qua việc hợp tác với một đối tác trong nước là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC, dự án này có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD chỉ là để phát triển hạ tầng của dự án. Khi được đầu tư cơ sở hạ tầng, Foxconn – chuyên về sản xuất ngành điện tử Đài Loan, sẽ trực tiếp xây dựng các nhà máy sản xuất hàng điện tử lớn với vốn có thể lên hàng tỷ USD tại đây. Dự án đang được hai bên hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng vào cuối năm nay.

Theo tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), những tín hiệu khả quan về giải ngân vốn FDI từ đầu năm đến nay cho thấy mục tiêu giải ngân vốn FDI của cả năm nay có thể hoàn thành hoặc vượt mức.

Số vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến nay tăng còn thể hiện niềm tin, cam kết đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản được tích cực triển khai, do thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn hứa hẹn đầy tiềm năng khai thác.

Đánh giá lượng vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến nay, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực đối với các cân đối vĩ mô. Nhờ nguồn vốn FDI thực hiện đạt cao mà cán cân vốn thặng dư khá lớn, do đó cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng khả năng hiện thực

Nhiều dự báo cho thấy, năm 2010 nguồn vốn FDI đổ vào nước ta sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm là làm thế nào để tăng tốc giải ngân có hiệu quả nguồn vốn quan trọng này.

Ông Thắng khuyến nghị, thay vì quá tập trung vào việc tìm kiếm thêm dự án mới, năm nay cần chú trọng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã ký.

“Việc chuyển số vốn đăng ký thành vốn thực hiện là thách thức không nhỏ. Trong điều kiện hiện nay về quy mô nền kinh tế, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như năng lực quản lý hiện tại của các cấp quản lý FDI... sức hấp thụ vốn cũng có giới hạn, khó kỳ vọng một con số giải ngân rất ấn tượng,” ông Thắng nói.

Theo các chuyên gia, vấn đề giải ngân thực hiện vốn được xem là mục tiêu trọng tâm trong thu hút đầu tư nước ngoài cho năm nay cũng như những năm sắp tới vì ở những năm trước, Việt Nam từng thu hút một lượng lớn vốn FDI đăng ký với những dự án có quy mô khá lớn, nhưng tỉ lệ giải ngân, tức là số vốn thực đi vào nền kinh tế, chưa cao. Năm 2008, cả nước thu hút trên 64 tỷ USD vốn FDI đăng ký, năm 2009 thu hút trên 21 tỷ USD vốn đăng ký nhưng trong 2 năm này mới giải ngân được 2l,5 tỷ USD, bằng khoảng 25% vốn đăng ký.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì vẫn còn những nguyên nhân khiến nhiều dự án FDI gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương thường chậm, thủ tục hành chính phức tạp. Những yếu kém và chậm trễ trong phát triển cơ sở hạ tầng như các tuyến đường liên tỉnh, cầu, điện, cảng biển, giao thông đô thị… cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới các dự án FDI.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, năm nay sẽ tập trung mạnh vào các nhóm giải pháp về chính sách pháp luật, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực, quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư. Ngay từ đầu năm, bộ đã triển khai nhiều đoàn công tác phối hợp với các địa phương tháo gỡ những ách tắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên những dự án có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục