Quy định nuôi con nuôi phù hợp công ước quốc tế

Nguyên tắc chỉ cho người nước ngoài nhận con nuôi khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước phù hợp với công ước quốc tế.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nuôi con nuôi và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết dự thảo Luật Nuôi con nuôi đã được các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Sau kỳ họp, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại một số địa phương, tổ chức hội thảo để tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước về dự án Luật Nuôi con nuôi.

Trong quá trình hoàn thiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã làm việc với đại diện Đại sứ quán của 9 nước ký hiệp định nuôi con nuôi với Việt Nam, một tổ chức quốc tế và một số tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thảo luận về các nội dung trong dự thảo, phần lớn các đại biểu đồng tình với các quy định về đối tượng và độ tuổi được nhận làm con nuôi; điều kiện của người được nhận làm con nuôi, điều kiện đối với người nhận con nuôi, các hồ sơ, thủ tục, thời hạn, căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Song, cũng còn không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về một số nội dung cụ thể.

Các đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn liệu quy định chỉ cho làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước (khoản 3, điều 4) liệu có phù hợp hay không. Bởi lẽ, việc nhận con nuôi đều xuất phát từ tình cảm con người và nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị nên thay thế khoản 3 bằng nội dung bảo đảm các quyền lợi tốt nhất cho trẻ được nhận làm con nuôi.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là việc thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài (điều 12).

Theo dự thảo, ngoài lệ phí người nhận nuôi con nuôi phải nộp theo quy định của pháp luật, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Các đại biểu H’Luộc NTơr (Đắk Lắk), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cho rằng tránh tình trạng nhận con nuôi để làm dịch vụ và trục lợi, nên bỏ quy định trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí. Quy định này dễ gây hiểu sai quan điểm và tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi.

Đại biểu Cư kiến nghị (Quảng Ngãi) cho rằng nên quy định một nguồn vốn hỗ trợ nhân đạo và có định chế tài chính để loại bỏ hiện tượng tiêu cực, đồng thời tạo điều kiện cho việc nhận nuôi con nuôi. Để làm được điều này, cần lập tổ chức tài chính có tài khoản và con dấu riêng.

Cũng về vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chỉ đồng ý về nguyên tắc phải nộp lệ phí và một phần chi phí gồm chi phí lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi; xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi; thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi.

Các quy định khác như chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng là không phù hợp, có khả năng tạo kẽ hở cho buôn bán trẻ em.

Đại biểu Thuyết kiến nghị nên thu một khoản ký quỹ để giám sát việc nuôi con nuôi ở nước ngoài, sau 3 năm sẽ hoàn trả lại.

Đa số các đại biểu thống nhất việc Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm và chế độ quản lý, sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Một vấn đề khác dành được sự quan tâm của nhiều đại biểu là quy định nuôi con nuôi ở khu vực biên giới (điều 42). Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên quy định cụ thể, hoặc có thể gộp chung vào các điều khoản khác, song nhìn chung các đại biểu thống nhất với Dự thảo là Chính phủ quy định việc giải quyết nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới và có báo cáo cụ thể với Quốc hội.

Đại biểu Tống Văn Thoóng (Lai Châu) cho rằng trong thời gian qua chưa có quy định nào về việc nuôi con nuôi ở vùng biên giới, việc đăng ký và quản lý chủ yếu là do bộ đội biên phòng xem xét, giải quyết. Việc Chính phủ có một quy định chi tiết về vấn đề này là hợp lý vì đặc thù của mỗi dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, cách nhận thức khác nhau và không loại trừ có cả các yếu tố có liên quan đến tình hình an ninh chính trị.

Ngoài ra, cũng cần quy định rõ nghĩa vụ của người nước ngoài được nhận làm con nuôi của người Việt Nam và quyền của họ khi tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội ở vùng biên giới như thế nào.

Các đại biểu cũng kiến nghị một số vấn đề cụ thể về độ tuổi của người nhận nuôi con nuôi, giám sát và thông báo tình hình con nuôi ở nước ngoài, yếu tố dân tộc của người được nhận làm con nuôi, số lượng con nuôi được nhận…

Làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định nguyên tắc chỉ cho người nước ngoài nhận con nuôi khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước là nguyên tắc quan trọng, đã được thể hiện trong luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng lý giải sự trưởng hành và phát triển của trẻ em không ở đâu bằng ở chính trong nước và điều này phù hợp với Công ước quốc tế La Hay.

Cũng như vậy, vấn đề chi phí nhận con nuôi là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế, tất cả các nước cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài đều đặt vấn đề chi phí này.

Dự thảo Luật cũng nhất quán không thay đổi dân tộc của người được nhận làm con nuôi, trừ trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không xác định được dân tộc thì phụ thuộc vào cha mẹ nuôi bởi đây là vấn đề mang tính huyết thống./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục