Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước

Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Sáng 13/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đánh giá về vai trò, vị trí của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế.

Ngoài mục tiêu kinh doanh để có lợi nhuận, các tập đoàn, tổng công ty còn phải tham gia vào các lĩnh vực khác như đầu tư về vùng sâu, vùng xa, đầu tư vào các lĩnh vực mà dân doanh không tham gia.

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo giám sát cần phải trả lời câu hỏi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tuân thủ các quy định của pháp luật chưa, có phù hợp với tình hiện thực tiễn hay không?

Một vấn đề khác ông Hiển đề cập tới là việc đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty có phù hợp, đúng hướng hay chưa, có xa rời với mục tiêu đầu tư truyền thống hay không?

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cùng quan điểm cho rằng: “Phải xem trong giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có ghi những lĩnh vực gì mà họ được phép kinh doanh, nếu không có mà doanh nghiệp vẫn làm thì không phải là xa rời mà là làm sai quy định”.

Ông Phùng Quốc Hiển nêu lên thực tế một số tập đoàn được thành lập, đơn giản chỉ là phép cộng chứ chưa đi sâu vào thực chất, chưa tạo ra được sức mạnh để thay đổi trình độ quản lý. Ông đề nghị: “Phải làm rõ xem bản chất của việc tăng trưởng của các tập đoàn, tổng công ty có phải xuất phát từ hiệu quả của sản xuất kinh doanh, hay là tăng trưởng được là do bán tài sản của Nhà nước?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá để sử dụng đồng vốn có hiệu quả có ba yếu tố quan trọng là vốn, công nghệ và con người. Trong sản phẩm của doanh nghiệp phải tách bạch được tỷ lệ công nghệ, tỷ lệ vốn và nhân lực. Yếu tố công nghệ ngày càng phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm thì mới đạt hiệu quả tốt. “Muốn giữ được vai trò là nòng cốt của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty phải trở thành người đi đầu trong việc thay đổi cơ cấu này” - bà Trương Thị Mai kết luận.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã lột tả được bức tranh của các tập đoàn, tổng công ty nhưng nếu so với mục tiêu còn thiếu.

Báo cáo mới đánh giá tình hình ban hành văn bản pháp luật, việc làm rõ những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, khó khăn, hạn chế chưa đề cập. Báo cáo cần chỉ rõ tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, nguyên nhân và trách nhiệm quản lý sử dụng vốn...

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng nội dung báo báo có phần viết dàn trải, tính khái quát chưa cao; phương pháp đánh giá cần phải toàn diện hơn, cụ thể và khách quan hơn… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần hoàn thiện bản báo cáo, nâng tầm cao hơn, toàn diện hơn và thuyết phục hơn để qua hoạt động giám sát tạo chuyển biến mới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục