Đàm phán thành lập chính phủ ở Bỉ lại thất bại

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ vẫn chưa tìm được lối thoát khi những nỗ lực mới về thành lập một chính phủ liên minh lại đổ vỡ.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ vẫn chưa tìm được lối thoát khi những nỗ lực mới về thành lập một chính phủ liên minh lại đổ vỡ ngày 4/10.

Ông Bart De Wever, Chủ tịch đảng Liên minh Flemish Mới (N-VA) của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan, đã tuyên bố chấm dứt các cuộc đàm phán với các đảng đại diện cho cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Ông De Wever cho rằng bất kỳ nỗ lực đàm phán mới nào với đảng N-VA của ông sẽ chỉ "trở lại điểm xuất phát."

Ba đảng chính của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp gồm đảng Xã hội PS, CDH và đảng Xanh đã ra tuyên bố chung chỉ trích tuyên bố của ông De Wever là "không thể chấp nhận được,"  "thiếu trách nhiệm" và "đơn phương phá vỡ đàm phán".

Như vậy, nước Bỉ, đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, vẫn chưa có chính phủ mới kể từ cuộc bầu cử tháng Sáu vừa qua và nhà Vua Albert II nay sẽ lại phải chỉ định một chính trị gia mới để khởi động lại các cuộc đàm phán. Báo chí Bỉ cho rằng trước tình hình khó khăn hiện nay, Bỉ nhiều khả năng sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Nước Bỉ bị chia cắt thành vùng Flanders ở miền Bắc nói tiếng Hà Lan, vùng Wallonia ở miền Nam nói tiếng Pháp và vùng Brussels-Halle-Vinvoorde nói hai thứ tiếng, gồm thủ đô Brussels và hơn 20 thành phố xung quanh.

Những tranh cãi về ngôn ngữ và sự chênh lệch về mức sống giữa miền Bắc và miền Nam từ nửa thế kỷ nay vẫn thường xuyên chi phối đời sống chính trị ở Bỉ. N-VA là đảng mạnh nhất ở vùng Flanders và là đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 13/6, luôn muốn tách quốc gia đã tồn tại 180 năm này thành hai thực thể riêng rẽ, một của cộng đồng nói tiếng Hà Lan và một của cộng đồng nói tiếng Pháp.

Sau cuộc bầu cử ngày 13/6, các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên minh giữa các đảng cánh hữu Flemish của cộng đồng nói tiếng Hà Lan và các liên minh cánh tả của cộng đồng nói tiếng Pháp đã nhiều lần đổ vỡ do hai bên không thể giải quyết được những bất đồng kéo dài lâu nay về sửa đổi Hiến pháp và phân quyền nhiều hơn cho các vùng ở Bỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục