Tranh cãi về nhân quyền

Đề cử giải Oscar gây tranh cãi lớn về nhân quyền

Django, Zero Dark Thirty hay Argo đã gây nên tranh cãi lớn về nhân quyền khi góp mặt trong danh sách đề cử giải Oscar phim hay nhất.
Nếu bạn muốn tìm hiểu lịch sử nước Mỹ, cách tốt nhất là đọc sách hay lên mạng tra cứu ư? Không, chỉ cần xem các bộ phim được đề cử Phim xuất sắc nhất Oscar 2013 là bạn đã có đủ vốn kiến thức rồi, bởi quá nửa trong 10 bộ phim được chọn lựa ngày 10/1 qua nói về những sự kiện có thực trong lịch sử nước Mỹ. Trải dài từ việc giải phóng nô lệ cho tới giải cứu con tin hay cuộc săn lùng Bin Laden vào thế kỉ 21, các tác phẩm trên đã đem lại góc nhìn vô cùng đa dạng về lịch sử. Tác phẩm “Lincoln” của đạo diễn Steven Spielberg là một bài học quý giá cho các chính trị gia Mỹ hiện đại, bởi vị tổng thống đời thứ 16 này từng nhận sự ủng hộ tuyệt đối từ Quốc hội Nạn nô lệ và cuộc nội chiến Mỹ cũng là chủ đề được đạo diễn Quentin Tarantino nhắc tới trong tác phẩm đẫm máu “Django Unchained”. Bộ phim có sự tham gia của Leonardo DiCaprio này nói về một nô lệ da màu hợp tác cùng một tay săn tiền thưởng để giải cứu vợ mình khỏi một tên địa chủ. Cùng nói về những sự kiện có thật song không phải tác phẩm nào cũng kể lại đúng như lịch sử, tiêu biểu như “Argo” với khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và “Zero Dark Thirty” với những cảnh tra tấn tù nhân mà theo CIA là không có thực. Bộ phim được đề cử nhiều nhất là “Lincoln” với 12 hạng mục, với nội dung chủ yếu xoay quanh nỗ lực thông qua Bản sửa đổi Hiến pháp Mỹ lần thứ 13 trong đó có Tuyên ngôn giải phóng nô lệ.

Đoàn làm phim Lincoln, phim giành tới 12 đề cử (Nguồn: AFP)
Tổng thống Lincoln được ngôi sao Daniel Day-Lewis nhập vai xuất thần và ngôi sao người Anh này được coi như ứng cử viên hàng đầu cho tượng vàng Oscar vai nam chính. Những ai không phải dân Mỹ sẽ học được hai điều đặc biệt từ bộ phim này: trái với quan điểm hiện tại, trong quá khứ chính Đảng Dân chủ mới là người phản đối giải phóng nô lệ và cuộc nội chiến Mỹ được chấm dứt là nhờ công của bộ máy chính trị. “Django Unchained” được đặt bối cảnh vài năm trước cuộc nội chiến, trong đó nhân vật nô lệ do tài tử Jamie Foxx thủ vai được một tay săn tiền thưởng gốc là bác sĩ người Đức trả tự do. Trong phim, từ “mọi đen” đã được Tarantino sử dụng không ngớt và ông khẳng định rằng điều đó đúng với lịch sử. Song các nhà phê bình dù đánh giá cao tác phẩm này vẫn phải chỉ trích nó về việc phóng đại ngôn ngữ và quá nhiều cảnh bắn súng – điều rất nhạy cảm sau cuộc thảm sát tại trường tiểu học Mỹ tháng trước. Trong phim “Argo” mà Ben Affleck kiêm cả đạo diễn lẫn diễn viên, lịch sử cũng đã bị bóp méo. Bối cảnh phim đặt tại Tehran năm 1979, khi một nhân viên CIA tìm cách cứu sáu nhà ngoại giao Mỹ bị phiến quân Iran bắt làm con tin ở khu vực đại sứ quán Canada. Công sứ của Canada là Ken Taylor cho biết sự thật đã không diễn ra như trong phim, khi phe Mỹ là người hùng của cuộc giải cứu: “Bộ phim này rất hay, gay cấn và hồi hôp. Song Canada không hề đứng yên một chỗ trước những sự việc hệ trọng như vậy. Khi ấy chúng tôi cùng CIA đã cộng tác với nhau.” CIA một lần nữa được nhắc tới trong phim “Zero Dark Thirty” khi một nhân viên của tổ chức này đã góp công lớn vào việc tìm ra nơi lẩn trốn của trùm khủng bố Bin Laden tại Pakistan – nơi y đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt vào tháng Năm 2011.

Trong Zero Dark Thirty có nhiều cảnh hỏi cung (Nguồn: AFP)
Trong phim có nhiều cảnh “hỏi cung đặc biệt” mà thực chất là tra tấn tù nhân. Theo phiên bản điện ảnh này thì đây là một phương pháp khai thác rất hiệu quả và đã giúp tìm ra manh mối nơi ở của Bin Laden. Điều này đã làm các nhà làm luật Mỹ tức giận, trong đó có cả những nhân vật quyền uy như cựu ứng viên tổng thống John McCain lẫn giám đốc tạm quyền CIA Michael Morell. Họ cho rằng bộ phim đã phóng đại tầm quan trọng của thông tin được lấy từ cách tra tấn. Một tổ chức nhân quyền cũng đã bày tỏ quan ngại sau khi danh sách đề cử Oscar được công bố, trong đó “Zero Dark Thirty” nhận được 5 để cử. Tổ chức “Trung tâm quyền lợi Hiến pháp” cho biết họ “rất thất vọng vì Hollywood đang chuẩn bị tôn vinh một tác phẩm nói về một trong những thời khắc đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.” “Đó là một vết nhơ trong lịch sử và đáng lẽ không nên được nhắc lại qua phim ảnh. Chúng tôi hi vọng các thành viên Viện Hàn lâm sẽ có quyết định chính xác và rút lại phiếu bầu cho bộ phim này.” Nữ đạo diễn Bigelow đã bất ngờ vắng mặt khỏi danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất, song tác giả kịch bản Mark Boal vẫn cho biết “không ai trong chúng tôi sẽ được vinh danh ngày hôm nay nếu thiếu đi tài năng tuyệt vời của Kathryn Bigelow và chúng tôi sẽ mãi biết ơn cô ấy.”/.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục