Sri Lanka: Chính phủ căng thẳng với ngành tư pháp

Các nghị sĩ UPFA cầm quyền tại Sri Lanka đã ký bản kiến nghị luận tội Chánh án Tòa án Tối cao Bandaranayake với cáo buộc lạm quyền.
Ngày 1/11, các nghị sĩ thuộc Liên minh Tự do nhân dân thống nhất (UPFA) cầm quyền tại Sri Lanka đã ký bản kiến nghị luận tội Chánh án Tòa án Tối cao Shirani Bandaranayake với cáo buộc lạm quyền.

Giới phân tích đánh giá mục đích của động thái này là nhằm cách chức Chánh án Bandaranayake trong bối cảnh mâu thuẫn giữa chính phủ với ngành tư pháp Sri Lanka trở nên nghiêm trọng.

Người phát ngôn chính phủ Keheliya Rambukwella cho biết bản kiến nghị đã được chuyển cho Chủ tịch Quốc hội trong ngày 1/11. Ông không tiết lộ chi tiết nội dung bản kiến nghị, song cho biết văn bản này đã nhận được sự đồng ý của 117 nghị sĩ UPFA cầm quyền vốn đang kiểm soát 2/3 số ghế trong Quốc hội gồm 225 ghế.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh có nhiều cáo buộc cho rằng chính quyền của Tổng thống Mahinda Rajapakse tăng cường kiểm soát đối với truyền thông, cảnh sát, thậm chí cả các quan chức trong ủy ban bầu cử, đồng thời đẩy mạnh đối đầu chính trị với các đảng phái đối lập.

Những cáo buộc trên xuất hiện sau khi chính phủ sửa đổi hiến pháp hồi năm ngoái theo hướng trao nhiều quyền hơn cho tổng thống, trong đó có quyền bổ nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao, Chỉ huy cảnh sát và ủy viên Ủy ban bầu cử.

Đảng Dân tộc Thống nhất đối lập cho rằng việc sửa đổi này không chỉ ảnh hưởng đến sự hoạt động độc lập của ngành tư pháp và còn biến hệ thống tư pháp thành một công cụ chính trị.

Theo quy định, Chủ tịch Quốc hội sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về tính hợp lệ của bản kiến nghị luận tội Chánh án Bandaranayake trước khi đưa văn bản này ra thảo luận chung tại Quốc hội. Để được thông qua, bản kiến nghị này phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 113 nghị sĩ trong tổng số 225 thành viên Quốc hội.

Bà Bandaranayake là nữ Chánh án Tòa án Tối cao đầu tiên của Sri Lanka. Bà được bổ nhiệm tháng 5/2011 và từng là đồng minh của Tổng thống Rajapakse. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị đổ vỡ cách đây vài tháng sau khi bà bổ nhiệm một thẩm phán trẻ àm người đứng đầu Ủy ban Hỗ trợ tư pháp, cơ quan có nhiệm vụ bổ nhiệm các thẩm phán.

Chính phủ cho rằng hành động này của bà "vi phạm hiến pháp." Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, nguyên nhân thực sự của sự đổ vỡ xuất phát từ việc bà Bandaranayake đã bác bỏ dự luật tăng thêm quyền lực cho Bộ Phát triển kinh tế hiện do em trai của Tổng thống đảm trách./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục