Mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình điểm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 14 quận, huyện.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người tàn tật hội nhập trong cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình điểm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 14 quận, huyện.

Mục đích của hoạt động là chuyển giao kiến thức về phục hồi chức năng cho cộng đồng để mọi người đều có thể giúp đỡ người khuyết tật theo khả năng của mình.

Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của ngành y tế. Ban điều hành các cấp từ tuyến thành phố, quận, huyện đến xã, phường đã được thành lập để điều hành hoạt động của chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình còn lôi cuốn được sự tham gia của cả cộng đồng từ người tàn tật, gia đình người tàn tật đến các tổ chức xã hội, các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào các hoạt động quản lý điều hành, hướng dẫn và tư vấn phục hồi chức năng, thăm hỏi động viên người tàn tật tại nhà.

Các Trung tâm y tế quận, huyện và các Trạm y tế xã, phường hàng năm đã xây dựng kế hoạch hoạt động của chương trình và dành một khoản kinh phí để thực hiện.

Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa đầu ngành phục hồi chức năng trong việc đào tạo và hướng dẫn chuyên môn cho tuyến cơ sở nhằm chuyển giao một phần kiến thức đến cộng đồng.

Hàng năm, chương trình đã hỗ trợ Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội 10 triệu đồng, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho 5-10 trẻ nghèo bị dị tật vận động.

Từ năm 2005, chương trình đã phối hợp đào tạo về công tác chăm sóc, hướng dẫn phục hồi chức năng cho các giáo viên và gia đình có trẻ khuyết tật của một số Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật tại Hà Nội.

Chương trình cũng đã triển khai được 13 phòng tập phục hồi chức năng vận động, 8 nhóm sinh hoạt người tàn tật tâm thần, tạo điều kiện cho người tàn tật được phục hồi chức năng ngay tại cộng đồng.

Trên địa bàn Hà Nội có 30.000 trẻ em tàn tật, trong đó có khoảng 5.000 trẻ di chứng tàn tật, 1.000 trẻ dị tật về vận động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục