Thi nhân trời Nam trẩy hội thơ nhớ Thăng Long

Với chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, Ngày thơ Việt Nam diễn ra tưng bừng suốt ngày 24/2 tại quảng trường Nhà hát TP.HCM.
Vào dịp rằm tháng Giêng Âm lịch hằng năm, Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa được chờ đợi của các nhà thơ và những người yêu thơ trên khắp cả nước.

Dù còn 4 ngày nữa mới đến rằm tháng Giêng - Xuân Canh Dần 2010, đông đảo thi nhân và người yêu thơ nơi trời Nam đã hội tụ về Thành phố Hồ Chí Minh trẩy hội thơ.

Với chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, Ngày thơ Việt Nam lần 8 - Nguyên Tiêu Canh Dần 2010 do Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra tưng bừng suốt ngày 24/2 (ngày 11 tháng Giêng năm Canh Dần) tại quảng trường trước Nhà hát thành phố.

Khởi đầu là chương trình thơ trẻ với bài thơ “Bước gió truyền kỳ” của nhà thơ Phan Hoàng đã khái quát lại hành trình khẩn hoang mở cõi oai gian truân và oai hùng của dân phương Nam được ví như bước gió truyền kỳ trong ký ức dòng giống Lạc Hồng.

Các nhà thơ trẻ tiêu biểu của phương Nam như: Nguyệt Phạm, Ngô Liêm Khoan, Trương Gia Hòa, Trần Lê Ý Sơn, Bùi Thanh Tuấn, Song Phạm, Ngô Thị Hạnh, Phan Trung Thành, Chiêu Anh Nguyễn... đã đem đến nhiều phong cách mới, hương sắc mới và cung bậc tình yêu mới cho ngày hội thơ năm nay.

Nhiều sáng tác mới được giới thiệu, trong đó phần lớn là những tác phẩm ca ngợi vùng đất thiêng Thăng Long-Hà Nội gồm cả con người, sinh hoạt và nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Những người yêu thơ cũng không bỏ lỡ dịp để chia sẽ cảm xúc, niềm tự hào và tình yêu đối với thơ ca của Việt Nam thông qua các tác phẩm của những nhà thơ lỗi lạc như: Bác Hồ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận...

Các lão nhà thơ đến từ các câu lạc bộ thơ quần chúng cũng góp vui nhiều sáng tác mới thể hiện tình cảm trân trọng, yêu thương đối với quê hương, đất nước, với Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi./.

Hữu Duyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục