Gia Lai: Không có chuyện dân chặt cao su vì rớt giá

Thông tin một số dân Gia Lai chặt bỏ diện tích cao su, kể cả diện tích đã cho khai thác mủ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SX, KD.
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng phản ánh tình trạng cao su rớt giá, một số người dân Gia Lai đã chặt bỏ không thương tiếc diện tích cao su của gia đình, kể cả những diện tích đã cho khai thác mủ.

Những thông tin này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ và doanh nghiệp ở Gia Lai.

Ông Hoàng Minh Hương, ở thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: gia đình ông trồng được hơn 300 cây cao su xen canh trong vườn càphê từ năm 2007. Do trước đây khu vực trồng càphê nằm trong khu vực khó khăn về nước tưới, lại thấy phong trào trồng cao su phát triển mạnh, nên gia đình đã triển khai trồng xen canh để mong muốn tăng thêm thu nhập trên diện tích đất có hạn.

Cuối mùa khô vừa qua, thấy cà phê lên tốt, ra hoa, đậu quả nhiều, trong khi đó những cây cao su được trồng xen canh phát triển chậm, lại bị sâu bệnh, một số cây bị chết, lượng mủ cho khai thác không đáng là bao nên gia đình đã quyết định chặt cao su để cà phê phát triển. Ông Hương khẳng định: "Không có chuyện cao su rớt giá nên gia đình tôi chặt bỏ," vì hơn 300 cây cao su này đã được gia đình chặt từ hồi tháng 3, trong khi đó giá mủ cao su mới rớt từ hồi tháng 7, tháng 8 vừa qua.

Còn ông Tôn Thất Phúc, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh cũng cho biết: 6 năm trước, thấy phong trào trồng cao su phát triển rầm rộ, có đất nên gia đình triển khai trồng được hơn 300 cây. Những năm đầu cao su phát triển đều, gia đình rất phấn khởi và hy vọng có nguồn thu đáng kể từ diện tích cao su này. Nhưng đáng buồn là vào thời điểm cuối năm ngoái, đầu năm nay, cây cao su phát bệnh xoăn và rụng lá.

Dù đã tham khảo từ nhiều người có kinh nghiệm và đọc sách hướng dẫn điều trị bệnh, mua thuốc về phun và bón dưới gốc nhưng cây vẫn không hết bệnh. Trước tình trạng cao su rụng lá, một số cây còn có biểu hiện khô cành và chết nên gia đình ông đã quyết định chặt cao su để trồng cà phê. Sau hơn 4 tháng trồng, đến nay hơn 500 cây cà phê đã lên ngang người và rất tốt.

Đáng tiếc hơn là hơn 500 cây cao su đang cho khai thác mủ năm thứ 3 của gia đình chị Lê Thị Ánh Duyên, ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh phải chặt bỏ. Chị Duyên cho biết: Nguyên nhân chặt hơn 500 cây cao su để chuyển đổi sang trồng cà phê là do trước đây gia đình mua phải giống không tốt, lượng mủ thu rất ít, cuối năm ngoái lại bị bệnh đốm lá và đã có gần 100 cây bị chết. Dù tiếc của, nhưng để đảm bảo diện tích đất không bị bỏ trống, gia đình đã chặt đi để trồng càphê.

Như vậy, toàn huyện Chư Păh chỉ có 3 hộ chặt 1.100 cây cao su bị sâu bệnh không thể cứu vãn được và thời điểm mà họ chặt cách đây từ 4 đến 5 tháng, chứ không phải do mủ cao su rớt giá như một số trang mạng phản ánh.

Ông Nê Y Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh khẳng định: “Sau khi một số báo đăng thông tin trên, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo phòng trực tiếp đi kiểm tra, xác minh. Sau khi kiểm tra, xác minh thì hoàn toàn không có chuyện người dân chặt bỏ cây cao su vì rớt giá.

Duy chỉ có 3 hộ dân ở xã Nghĩa Hòa chặt bỏ 1.100 cây với diện tích 2 ha, tuy nhiên số cây cao su bị chặt này đều thuộc diện tích trồng xen với cây cà phê. Do cây cà phê phát triển tốt, còn cây cao su phát triển chậm, bị sâu bệnh và sản lượng mủ thấp nên những hộ này đã tiến hành chặt bỏ cây cao su để cây càphê phát triển”./.

Quang Thái (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục