Giám đốc 8 ngân hàng Mỹ điều trần trước quốc hội

Ngày 11/2, một loạt giám đốc các ngân hàng lớn của Mỹ đã phải ra điều trần tại Hạ viện để trình bày về tình hình chi tiêu tài chính trong bối cảnh gia tăng những cáo buộc họ đã sử dụng hàng tỷ USD số tiền cứu trợ của chính phủ để "lót" vào bảng cân đối tài sản hoặc chớp thời cơ mua lại các đối thủ đang bên bờ vực phá sản thay vì mở lại các dòng tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang thiếu vốn.

Ngày 11/2, một loạt giám đốc các ngân hàng lớn của Mỹ đã phải ra điều trần tại Hạ viện để trình bày về tình hình chi tiêu tài chính trong bối cảnh gia tăng những cáo buộc họ đã sử dụng hàng tỷ USD số tiền cứu trợ của chính phủ để "lót" vào bảng cân đối tài sản hoặc chớp thời cơ mua lại các đối thủ đang bên bờ vực phá sản thay vì mở lại các dòng tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang thiếu vốn.
 
Trước đó, giới chức Mỹ đã cảnh báo các giám đốc ngân hàng về "sự tức giận hợp lý của người dân" do tình trạng thiếu kiểm toán các khoản cứu trợ của chính phủ.
 
Tại phiên điều trần, giám đốc 8 ngân hàng lớn, gồm Bank of America, Bank of New York Mellon, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, State Street và Wells Fargo cho rằng đang tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa ngành dịch vụ tài chính và công chúng.

Sau khi giải thích cách thức chi tiêu ngân khoản và phương thức nâng cao mức độ cho vay, các giám đốc khẳng định họ không tư lợi bất kỳ khoản tiền nào và đang tiếp tục duy trì các dòng tín dụng tới tay khách hàng. Giám đốc các ngân hàng cam kết sẽ cố gắng hoàn trả số tiền cứu trợ của chính phủ càng sớm càng tốt.

Ông Vikram Pandit, giám đốc Citigroup thẳng thắn: "Chúng tôi đã không điều chỉnh kịp thời, và tôi chịu trách nhiệm về sai lầm này", đồng thời cam kết chỉ nhận mức lương 1 USD mỗi năm, không có tiền thưởng, cho tới khi Citigroup lại thu lợi.
 
Các ngân hàng cũng nhất trí ngừng ít nhất trong vài tuần việc tịch thu tài sản thế nợ cho các hộ gia đình khó khăn, cho tới khi chính phủ Mỹ thực thi chương trình trị giá 50 tỷ USD hỗ trợ những người mua nhà trả góp bằng cách hạ thấp mức phải trả hàng tháng.
 
Cam kết này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner công bố kế hoạch mới giải cứu các ngân hàng nhằm ổn định hệ thống tài chính, trong đó có 500 tỷ USD để mua lại các tài sản xấu.
 
Tám ngân hàng nói trên đã nhận được ngân khoản từ gói giải cứu 700 tỷ USD của chính quyền tiền nhiệm, trong đó Bank of America và Citigroup nhận 45 tỷ USD, JP Morgan Chase và Wells Fargo nhận 20 tỷ USD, Goldman Sachs và Morgan Stanley nhận 10 tỷ USD, State Street và Bank of New York Mellon nhận mỗi ngân hàng 3 tỷ USD. Cho tới nay, 8 ngân hàng trên đã nhận 166 tỷ USD tiền công quỹ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục