Nghịch lý giảm lãi suất và doanh nghiệp "khỏe"

Tín hiệu giảm lãi suất cho vay đã được phát đi ở một số ngân hàng lớn nhưng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.
Một số ngân hàng lớn đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi này.

Mong mỏi lớn nhất của các đơn vị sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn là đồng vốn vay với giá chấp nhận được và "cửa" ngân hàng rộng mở hơn.

Lãi suất thấp cho doanh nghiệp "cưng"

Vietcombank vừa chính thức phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay VND với đối tượng khách hàng doanh nghiệp từ 19%/năm giảm xuống còn 17%/năm, một số lĩnh vực, lãi suất sẽ hạ xuống 16,5%, 16%/năm. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực và những doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, Vietcombank sẽ cho vay ra với mức lãi suất 15 - 15,5%/năm.

Như vậy, sau BIDV hạ lãi suất vào cuối năm 2011, Vietcombank là “đại gia” thứ hai thực hiện hạ lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, mở đầu cho chủ trương giảm lãi suất năm nay. Trên thực tế, Agribank và VietinBank cũng đã áp dụng lãi suất cho vay 14%-15%/năm với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, rất hiếm doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn với mức lãi suất này. Để vay được mức lãi suất đó, các đối tượng khách hàng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, đối với doanh nghiệp vay mục đích xuất khẩu phải có đủ chứng từ chứng minh đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giấy phép xuất hàng ra nước ngoài…

Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng được vay lãi suất thấp vẫn phải vay lãi suất cao. Và thực tế quy định mức vay vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng lãi suất cho vay ở mức nào lại thực sự nằm trong tay các ngân hàng.

Trước thông tin lãi suất có thể giảm trong thời gian tới, một số doanh nghiệp đã dừng luôn việc vay vốn mới từ ngân hàng, chờ đợi thời cơ. Vì theo các doanh nghiệp này, mức giảm dù ít dù nhiều, 1-2% thôi thì “câu chuyện đã hoàn toàn khác”.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy cho biết, thay vì mở rộng thêm hệ thống phân phối như dự tính ban đầu, Việt Thy quyết định làm gọn lại hệ thống đang có, mạnh dạn đóng cửa những cửa hàng nào kinh doanh kém hiệu quả để tránh bị ngâm vốn nhằm đối phó với tình trạng lãi suất vẫn quá cao như hiện nay.

“Đây là một quyết định khá khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, vốn rất cần mở rộng hệ thống bán lẻ của mình để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng hiệu quả nhất. Nhưng sẽ rất khó cho doanh nghiệp nếu tiếp tục chọn phương án đầu tư trong năm nay, khi tín hiệu hạ lãi suất từ phía ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến tích cực,” bà Đoan cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp cho biết, hiện nay doanh nghiệp của ông vẫn phải vay với mức lãi suất 22%/năm nên dù đang cần vốn mở rộng kinh doanh ông cũng không dám vay vốn ngân hàng.

Theo vị giám đốc này, với việc một vài ngân hàng hạ lãi suất thì cũng không giúp ích được nhiều cho các đại bộ phận doanh nghiệp. Lý do bởi để tiếp cận được nguồn vốn thấp thường là những doanh nghiệp thân thiết, có quan hệ tốt, được ưu đãi... Còn một nghịch lý khác nữa là các ngân hàng thường ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp mà “sức khỏe” tài chính đã có rồi, không thực sự cần vốn như các doanh nghiệp đang lao đao khốn khó. Trong khi đó, các doanh nghiệp khó khăn lại bị xếp hạng cuối cùng, rất khó có được nguồn vốn.

Giảm đồng bộ: Chờ đến tháng 6?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP, tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm thích hợp. Đây cũng là mong muốn của toàn xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà giảm của lãi suất đang bị cản, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn căng thẳng.

Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhìn chung thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt lên vì thời gian qua cơ quan này đã tích cực bơm vốn trên thị trường mở cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng “mươi” ngân hàng thanh khoản yếu, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Với tình hình thanh khoản của hệ thống hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: “Rất khó dự báo thời điểm nào lãi suất sẽ hạ, bởi ngay cả khi lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn trong tình trạng căng thẳng thanh khoản.”

Nhu cầu được vay lãi suất thấp thực sự cấp bách khi mà đa số các chuyên gia cho rằng với mức lãi suất hiện nay (khoảng 20%) thì các doanh nghiệp không thể sống nổi. Thực tế, thống kê chưa đầy đủ năm qua đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đóng cửa.

Tại một cuộc họp hồi cuối năm 2011, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đưa ra ví dụ, nếu lạm phát giảm xuống 9-9,5% trong năm 2012 thì lãi suất có thể chỉ giảm xuống 14-16%/năm, vẫn còn quá cao để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng và nhờ đó hồi sinh.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, nhiều khả năng trong vòng 6 tháng đầu năm 2012 mặt bằng lãi suất còn tiếp tục căng thẳng như hiện nay và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Khả năng hạ lãi suất xuống được hay không còn phụ thuộc vào bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm.

Đưa ra vấn đề vượt trần lãi suất, ông Kiên nhấn mạnh, “Chính sách hành chính chỉ có tác dụng trong một thời điểm nhất định, chứ không thể lâu dài. Mấu chốt của cuộc đua tranh lãi suất lại nằm ở bài toán thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Phải giải được căn nguyên bài toán này thì mới mong chấm dứt được cuộc đua lách trần lãi suất. Và như thế, không thể một sớm một chiều chúng ta hô hào là các ngân hàng phải nghe theo, nhất là đây là thị trường thì phải điều chỉnh bằng công cụ thị trường.”

Một số lãnh đạo của các ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng cho rằng, lãi suất sẽ giảm nhưng thời điểm này thì chưa thể.

Theo ông Hiếu, việc một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cũng sẽ mở đầu cho những ngân hàng khác trong năm nay sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, phải đợi đến qua tháng 6 thì mới hy vọng các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất. Bởi hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang có những phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. mẶT KHÁC, năm nay, lạm phát cũng đang có dấu hiệu giảm hơn mọi năm, đó là điều kiện, cơ sở để hạ lãi suất xuống.

Chưa rõ thời điểm nào Ngân hàng Nhà nước – cơ quan điều hành tiền tệ sẽ đưa ra thông báo giảm lãi suất, như Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã nói “phải lựa chọn thời điểm, mức độ giảm phù hợp”, nhưng dù sao, tín hiệu chắc chắn đã phát đi và một số ngân hàng lớn đã vào cuộc thì các doanh nghiệp vẫn có quyền mong mỏi chính sách điều hành linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước để tình hình sản xuất kinh doanh được tốt lên./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục