Quốc hội giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

Sáng 17/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ năm đến nay.
Sáng 17/11, trước khi vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ năm đến nay.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, qua công tác phân loại, còn lại 1.053 kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện đã chuyển và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Các ủy ban của Quốc hội đã tổ chức giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri theo chuyên đề. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức để 2 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giải quyết kiến nghị của cử tri được coi trọng

Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trong năm 2009, trong đó phân tích cụ thể về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó tự đánh giá những kết quả đạt được, cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập để giải quyết những vấn đề mà cử tri kiến nghị như vấn đề tăng mức phụ cấp cho giáo viên mẫu giáo, mầm non và cán bộ y tế thôn, bản được quy định trong các quyết định số 24, 25, 26, 27/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đã được Quốc hội phân bổ ngân sách để thực hiện nhưng do vướng mắc trong quy định nên trên thực tế không triển khai được.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 113/2009/ QĐ-TTg ngày 11/9/2009 sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc trong các quyết định trên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu một số bộ có báo cáo về việc giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng việc giải quyết chưa triệt để, nhằm góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các kiến nghị.

Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngày càng được coi trọng, trong tổng số 993 kiến nghị của cử tri đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đã có 967 kiến nghị được trả lời. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Nâng cao chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri

Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhưng lại chưa được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế phối hợp.

Để từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, chủ động nghiên cứu đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, giúp cử tri hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri; khi nhận được văn bản trả lời kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng thông tin kết quả đến cử tri.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; có biện pháp xử lý đối với những trường hợp chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.

Tăng giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

Ngay sau Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu nêu rõ, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo với Quốc hội và được Quốc hội cho phép đưa vào chương trình để nghe về tình hình giải quyết các kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp, có tính chất thí điểm.

Lần này trên cơ sở kết quả của kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và đề nghị Quốc hội tiến thêm một bước, không chỉ dừng lại ở việc nghe về tình hình mà Quốc hội nghe kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Như vậy đòi hỏi phải làm công phu hơn, đầy đủ hơn để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây là lĩnh vực cử tri rất quan tâm nhưng vừa qua làm chưa tốt. Đồng thời, đây là kênh cung cấp thông tin đối với đại biểu Quốc hội phục vụ cho hoạt động chất vấn.

Đây cũng là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát trả lời kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến, để rút kinh nghiệm, cải tiến dần dần và có thể bổ sung vào nội quy, quy chế làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục