CPC tiếp cận mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh sởi

Campuchia đang tiến gần mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh sởi, khi không có ca nhiễm sởi mới nào tại nước này trong năm 2012.
Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, Campuchia đang tiến gần mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh sởi, khi không có ca nhiễm sởi mới nào tại nước này trong năm 2012.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/1, tiến sỹ Pieter Van Mareen, đại diện WHO tại Campuchia đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Campuchia trong lĩnh vực y tế dự phòng, giúp nước này tiến gần đến mục tiêu được WHO công nhận thanh toán thành công bệnh sởi, nếu trong 2 năm tới, Campuchia tiếp tục duy trì thành quả đáng khích lệ của năm 2012 về phòng chống bệnh sởi.

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Nheng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng đưa đến thành công của chiến dịch loại trừ bệnh sởi tại Campuchia là hiệu quả hợp tác giữa các trung tâm y tế, giới chức lãnh đạo địa phương, các tình nguyện viên y tế cơ sở và các bậc cha mẹ trẻ em trong việc đôn đốc, triển khai hoạt động tiêm chủng cho trẻ em, trẻ sơ sinh trong cộng đồng.

Campuchia bắt đầu chủng ngừa bệnh sởi cho trẻ sơ sinh chín tháng tuổi từ năm 1986. Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, kể từ cuối năm 2011, nhờ sự hỗ trợ của WHO, UNICEF, chính phủ Campuchia đã triển khai chiến dịch chủng ngừa bệnh sởi liều thứ hai cho trẻ em 18 tháng tuổi.

Nỗ lực của ngành y tế dự phòng Campuchia đã giúp không xảy ra trường hợp mắc bệnh sởi mới nào trong năm 2012, trong khi năm 2011 vẫn còn hơn 700 ca nhiễm sởi mới. Trường hợp cuối cùng của bệnh sởi được phát hiện tại tỉnh Kampong Spư vào tháng 11/ 2011.

Tuy nhiên, giới chức Y tế Campuchia cũng thừa nhận rằng, để đạt được mục tiêu không xảy ra ca nhiễm sởi mới trong 2 năm tới sẽ một việc làm khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính phủ, ngành y tế và toàn cộng đồng. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố, triển khai các chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, Campuchia cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng ngừa sự lây nhiễm bệnh sởi do quá trình di dân, nhập cư.

Sởi là một bệnh rất dễ lây do virus gây ra. Bệnh có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc-xin. Sởi không gây tử vong trực tiếp cho người nhiễm. Tuy nhiên, những biến chứng do virus sởi gây ra, như viêm phổi, tiêu chảy và viêm màng não, có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Theo báo cáo của WHO, trong năm 2012, đã phát hiện hơn 400 trường hợp nhiễm sởi mới tại Việt Nam; hơn 1.900 ca tại Malaixia và 4.800 trường hợp tại Trung Quốc./.

Xuân Khu/Pnompenh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục