Năng lượng sạch giúp châu Á phát triển bền vững

Châu Á-TBD cần một thỏa thuận năng lượng mới đảm bảo năng lượng sạch, bền vững hơn để tiếp tục là động lực cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 25/4, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) Noeleen Heyzer, khẳng định các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần một thỏa thuận năng lượng mới đảm bảo năng lượng sạch hơn, bền vững hơn và dễ tiếp cận hơn để tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại diễn đàn các nhà hoạch định chính sách châu Á tại Singapore, bà Heyzer nhấn mạnh châu Á cần đạt được thỏa thuận mới về năng lượng nhằm thay đổi cuộc chơi để cân bằng phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo phổ cập tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nâng cao hiệu quả năng lượng và tăng gấp đôi thị phần năng lượng tái sinh trong tổ hợp năng lượng châu Á vào năm 2030.

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) là cơ hội tốt nhất để thế hệ hiện nay tạo ra tăng trưởng phổ quát hơn mà không vượt quá những giới hạn của hành tinh. Thế giới cần “đặt lại” chương trình nghị sự phát triển toàn cầu và đối với châu Á, hành động này có nghĩa là thay đổi mô hình sản xuất, truyền tải và tiêu dùng năng lượng vì tăng trưởng kinh tế châu Á hiện nay phụ thuộc tới 80% vào năng lượng hóa thạch.

Trong bối cảnh giá hàng hóa ngày càng biến động và tác động tiêu cực đến môi trường của mô hình tăng trưởng kinh tế thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, châu Á-Thái Bình Dương cần chuyển đổi các hệ thống kinh tế khu vực với động lực là khu vực năng lượng.

Người đứng đầu UNESCAP nêu bật quan hệ giữa phổ cập tiếp cận năng lượng với các mục tiêu phát triển quốc tế chủ chốt. Hiện có 20% người dân vẫn chưa được tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo tăng 33% từ năm 2010 đến năm 2035.

Hàng tỷ người trên thế giới vẫn phải sống trong đêm tối, bệnh tật và mất các cơ hội phát triển do thiếu năng lượng. Thế giới phải chấm dứt tình trạng này bằng các biện pháp thông minh và bền vững, đảm bảo bảo vệ được các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.

Năm 2012 đã được Liên hợp quốc tuyên bố là Năm Quốc tế năng lượng bền vững cho tất cả và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát động sáng kiến toàn cầu về năng lượng bền vững cho tất cả mọi công dân trên toàn cầu.

UNESCAP sẽ hợp tác với các nước để khai thác tiềm năng của khu vực để phát triển mạng năng lượng thống nhất toàn khu vực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục