Ủy ban Đối ngoại của QH họp phiên toàn thể lần 4

Tại phiên họp, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Đề cương Chiến lược Ngoại giao Quốc hội từ nay đến 2020.
Chiều 6/6, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng.

Tại phiên họp này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Đề cương Chiến lược Ngoại giao Quốc hội từ nay đến năm 2020; dự thảo Báo cáo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về đối ngoại; dự thảo Báo cáo công tác hoạt động của Ủy ban Đối ngoại từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII và Chương trình công tác đến hết năm 2012.

Các đại biểu thống nhất cho rằng trong năm 2012, Ủy ban tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến cụ thể sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 từ kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 về lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế thuộc lĩnh vực của Ủy ban. Ủy ban tiếp tục phát huy vai trò vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn quan trọng của Liên Nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt tham mưu tổ chức Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 33 (AIPA 33) tại Indonesia vào tháng 9/2012.

Cũng trong thời gian tới, Ủy ban Đối ngoại tiếp tục tăng cường vai trò tham mưu, điều hòa, phối hợp trong việc xây dựng và tổ chức triển khai chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo hướng xác định mục tiêu, đối tượng trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào hiệu quả và thiết thực; xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Đề án Chiến lược Ngoại giao của Quốc hội từ nay đến năm 2020, trình cấp có thẩm quyển xem xét, phê duyệt.

Về sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đối ngoại, các đại biểu nhấn mạnh: Việc sửa đổi cần thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về đường lối đối ngoại trong tình hình mới, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các nội dung sửa đổi Hiến pháp về đối ngoại cần cô đọng, có tính nguyên tắc và ổn định lâu dài.

Về mặt kỹ thuật, cách thể hiện về lĩnh vực này không chỉ dừng lại ở những điều, khoản liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế mà cần mở rộng sang các điều, khoản có quan hệ gián tiếp và tác động tới lĩnh vực đối ngoại như các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Đồng thời việc sửa đổi này cũng thể hiện được chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế làm cơ sở cho việc hoàn thiện chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục