Thương mại tạo việc làm ở các nước chậm phát triển

Tổng Giám đốc WTO khẳng định, thương mại là động lực tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC).
Ngày 24/4, tại Hội nghị cấp cao Khuôn khổ tăng cường hòa nhập (EIF) ở thủ đô Doha của Qatar, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy khẳng định, thương mại là động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm đói nghèo ở các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC).

Ông Lamy nhấn mạnh, Khuôn khổ EIF tạo diễn đàn để các nước chậm phát triển nhất bày tỏ nhu cầu về hỗ trợ thương mại, trên cơ sở đó thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thúc đẩy thương mại, đồng thời tăng cường trách nhiệm chung.

Cộng đồng quốc tế có vai trò và trách nhiệm tập thể đảm bảo rằng, EIF được chuyển giao để giúp các nước này thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bế tắc phát triển.

Các nước chậm phát triển nhất có trách nhiệm sử dụng quá trình EIF để nhận dạng và xử lý các yếu kém, phát huy các lợi thế để phối hợp nội bộ tốt hơn, củng cố thương mại trong các ưu tiên của các chương trình phát triển quốc gia.

Tổng Giám đốc WTO nêu rõ rằng, các tổ chức quốc tế như Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), WTO có vai trò thiết yếu hỗ trợ tiến trình EIF. WTO là đối tác tích cực, đặc biệt thông qua vai trò phối hợp các viện trợ thương mại, đồng thời là đối tác hỗ trợ vững chắc đầu ra của tiến trình EIF.

Trong bối cảnh lo ngại thâm hụt ngân sách đang tăng lên, EIF là đầu tư thông minh. Tuy nhiên, để EIF tiếp tục được chuyển giao cho các nước LDC, cần cam kết từ các nước LDC và cam kết từ các đối tác phát triển về sự bền vững của các nguồn tài trợ thương mại.

Đầu tư vào năng lực thương mại, đặc biệt trong điều kiện đặc thù ở các nước LDC, là trung gian để đầu tư dài hạn nhưng có tiềm năng chuyển giao tác động đa tầng nhanh chóng đến tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.

Tuy viện trợ cho các nước đang phát triển giảm 3% trong năm 2011 và dòng viện trợ song phương cho các nước chậm phát triển nhất giảm 9% xuống mức 28 tỷ USD nhưng viện trợ thúc đẩy thương mại cho các nước đang phát triển tiếp tục tăng.

Cam kết viện trợ thương mại năm 2010 đạt 45 tỷ USD, tăng 12% so với mức năm 2009 và 80% so với mức trung bình từ năm 2002 đến năm 2005, trong đó viện trợ thúc đẩy thương mại dành cho các nước LDC tăng gấp đôi từ mức trung bình 6,5 tỷ USD từ năm 2002-2005 lên 14 tỷ USD năm 2010.

LDC trở thành thành phần không thể thiếu của WTO và có thể sử dụng sức nặng chính trị của LDC để thúc đẩy giải pháp đẩy nhanh Vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha kết thúc thành công./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục