"Có thể xét nghiệm kháng thể cho trẻ, nhưng tốn kém"

Sau vụ việc liên quan đến tiêm vắcxin gian lận tại Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội, rất nhiều người dân muốn đưa trẻ sau khi tiêm chủng đến một trung tâm y tế nào đó để kiểm định lượng kháng thể xem có đủ hay không. Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định các Viện vệ sinh dịch tễ hay Viện Pasteur tại Việt Nam có đủ khả năng làm các xét nghiệm này. Tuy nhiên, việc xét nghiệm này là phức tạp, tốn kém và cũng không thực sự cần thiết.
Vụ việc liên quan đến tiêm vắcxin gian lận tại Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu con mình cũng có thể bị tiêm thiếu vắcxin? Cũng vì vậy mà nhiều người dân muốn đưa trẻ sau khi tiêm chủng đến một trung tâm y tế nào đó để kiểm định lượng kháng thể xem có đủ hay không. Trước những thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh, Giáo sư Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định: "Các Viện vệ sinh dịch tễ hay Viện Pasteur tại Việt Nam có đủ khả năng làm các xét nghiệm này." Nhiều phụ huynh đôn đáo tìm nơi kiểm định Anh Dương Thái Lam (ở Vĩnh Phúc) – người đã phát hiện ra sai phạm “ăn bớt” vắcxin của nhân viên tại trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – đã bày tỏ nỗi lo lắng về việc con mình bị tiêm thiếu vắcxin Petaxim, loại vắc xin tổng hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib. Anh Lam cho hay: “Tôi đã mất tiền, mất công cho con lặn lội đường xa từ Vĩnh Phúc về Hà Nội để tiêm phòng. Vậy mà kết quả tôi nhận được là nhân viên y tế đã tiêm không đủ cho cháu khiến gia đình rất lo lắng. Hơn nữa, tôi cũng chưa biết lượng vắcxin được tiêm vào trong người cháu có tác dụng gì hay không?” [Sở Y tế HN xác nhận vụ "ăn bớt" vắcxin tiêm chủng] Vì vậy, anh Lam muốn tới một cơ sở y tế hay nơi có khả năng thực hiện các kỹ thuật để kiểm định lượng kháng thể sau khi tiêm vắcxin của con anh liệu có đủ hay không. Anh Lam khẳng định, dù có phải mất nhiều tiền anh cũng sẵn sàng chi trả. Vấn đề quan trọng anh muốn theo dõi được tình trạng sức khỏe của bé. Tuy nhiên, anh Lam cho hay, trước yêu cầu của anh đến chiều 22/5, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời về việc tìm nơi nào để thực hiện việc kiểm định lượng kháng thể trên. Cùng tâm tư với anh Lam, chị Nguyễn Lan Phương (ở Linh Đàm, Hoàng Mai) chia sẻ, chị thường xuyên đưa con tới Trung tâm y tế dự phòng tại 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội để tiêm. Con chị cũng đã từng tiêm vắcxin Petaxim cách đây hơn một tháng. Sau khi xảy ra sự việc tiêm thiếu vắcxin trên, chị rất lo lắng, hoang mang. Chị Phương bày tỏ sự bức xúc bởi khi đi tiêm chị chỉ tập trung để ý con, vuốt ve con cho khỏi đau và không biết liệu em bé nhà chị có bị tiêm thiếu mũi vắcxin đó hay không. Chị Phương cho hay: “Mình có nghe nói là có thể tiến hành việc kiểm định định lượng kháng thể cho trẻ sau khi tiêm vắcxin để biết trẻ có được tiêm đủ hay không. Vì vậy, mình cũng rất muốn đưa con đến đó để kiểm tra, nhằm giải tỏa một phần nỗi lo và trấn an tinh thần, để có giải pháp bảo vệ sức khỏe cho con.” Không chỉ riêng anh Lam, chị Phương, mà hiện nay có rất nhiều phụ huynh ở khắp mọi miền đất nước trên nhiều diễn đàn như làm cha mẹ, web trẻ thơ... cũng mong muốn đưa con đi kiểm tra, làm các xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất. Việt Nam làm được các kiểm định trên Trước thực trạng trên, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Trần Hiển để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Theo ông Hiển, việc nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội tiêm thiếu vắcxin cho trẻ đã vi phạm các quy định về tiêm chủng. Vì vắcxin chỉ có hiệu quả khi tiêm vắcxin có chất lượng, đủ liều lượng, đúng khoảng cách, đúng kỹ thuật. Tình trạng vừa rồi rất đáng tiếc và không phải là hiện tượng phổ biến. Hiện nay rất nhiều người dân muốn cho con đi kiểm định lượng kháng thể sau khi tiêm vắcxin. Trước câu hỏi trên, ông Hiển khẳng định: “Khi người dân có nhu cầu thì ngành y tế có thể triển khai. Các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur có khả năng kiểm định kháng thể sau khi tiêm vắcxin. Tuy nhiên, việc xét nghiệm đó là phức tạp và tốn kém.”

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Đề cập đến mối quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh muốn đưa con đi làm xét nghiệm trên, ông Hiển cho hay, các xét nghiệm đó quá phức tạp. Do mũi vắcxin Petaxim - loại vắc xin tổng hợp phòng 5 bệnh nên có 5 kháng nguyên. Việc xét nghiệm theo dõi nồng độ của các kháng thể đối với từng kháng nguyên một bạch hầu, ho gà, uốn ván, vi khuẩn Hib, virus viêm gan B. Như vậy để xác định kháng thể với 5 thành phần kháng nguyên đòi hỏi phải tiến hành  5 loại kỹ thuật khác nhau với 5 lần xét nghiệm khác nhau, chứ không phải một kỹ thuật xác định được 5 thành phần đó. “Việc xét nghiệm kháng thể đối với các tác nhân do vi khuẩn và virus có trong thành phần vắcxin 5 trong 1 chúng tôi có khả năng làm được, nhưng lâu nay chúng tôi ít làm việc đó vì chẩn đoán các ca bệnh do vi khuẩn chủ yếu dựa trên các các kỹ thuật phân lập và sinh học phân tử, chứ ít sử dụng các kỹ thuật phát hiện kháng thể này. Các kỹ thuật phát hiện kháng thể trong xét nghiệm vi khuẩn chủ yếu sử dụng trong các nghiên cứu là chính, chứ không làm các dịch vụ thông thường trong chẩn đoán ca bệnh,” ông Hiển cho hay. Liên quan đến vấn đề kiểm định trên, ông Bùi Trọng Chiến – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho hay, Viện có thể làm được những kỹ thuật để kiểm định lượng kháng thể sau tiêm vắcxin cho trẻ, . Về câu hỏi nếu người dân đưa trẻ sau khi tiêm vắcxin đến Viện để kiểm định lượng kháng thể sau tiêm, Viện có thể tiến hành những xét nghiệm này hay không, ông Chiến khẳng định việc làm đó là không cần thiết và Viện chưa có kế hoạch làm xét nghiệm những ca đơn lẻ trên vì kỹ thuật rất phức tạp và tốn kém. Ông Chiến cho hay, những nhà sản xuất vắcxin đã nghiên cứu và khẳng định tính an toàn của sản phẩm, nên việc lượng vắcxin vào cơ thể trẻ có thể thấp hơn một chút hoặc cao hơn một chút cũng không ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, đối với mỗi trẻ có hệ miễn dịch khác nhau, nên cũng có trường hợp trẻ có lượng kháng thể thấp, không đáp ứng được miễn dịch.

Không đủ liều thì phải tiêm lại
Vị Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo, trường hợp trẻ tiêm vắcxin không đủ liều thì về nguyên tắc, phụ huynh nên cho con tiêm bù lại mũi tiêm đó. Vì vậy, nếu phụ huynh nghi ngờ trẻ bị tiêm thiếu vắcxin, có thể cho đi tiêm lại mũi tiêm đó mà không cần thiết phải đưa trẻ đi làm các xét nghiệm kiểm định lượng kháng thể vừa phức tạp vừa tốn kém. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao cho đứa trẻ có đủ kháng thể để chống lại các bệnh có thể dự phòng bằng vắcxin. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, ông Hiển khuyên các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng theo dõi trong vòng 48 giờ, đặc biệt cần theo dõi chặt chẽ trong vòng 24 giờ sau tiêm vì phản ứng do vắcxin thường xảy ra trong khoảng thời gian này. Sau khi tiêm chủng, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như khóc thét kéo dài, sốt cao, tím tái… thì phụ huynh nên  đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để có các biện pháp xử lý kịp thời./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục