Sẽ rút ba luật khỏi chương trình kỳ họp QH thứ 7

Các đại biểu cơ bản nhất trí sẽ rút khỏi chương trình kỳ họp thứ 7 ba dự án Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam, Luật Đầu tư công.
Ngày 12/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 31, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 và Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.

Đối với chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, các đại biểu cơ bản nhất trí với các đề xuất của Văn phòng Quốc hội. Trong kỳ họp này, sẽ rút khỏi chương trình việc trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến các dự án Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam, Luật Đầu tư công để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.

Về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, cử tri cả nước gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội 1.687 kiến nghị.

Sau khi tổng hợp, phân loại các kiến nghị đã được giải quyết, 1.234 kiến nghị còn lại gồm 46 kiến nghị đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; 1.188 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã được Ban Dân nguyện kịp thời chuyển và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

46 kiến nghị của cử tri có liên quan đến hoạt động của Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu, trả lời cụ thể, góp phần thiết thực vào hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao việc tuân thủ theo pháp luật.

Trong 1.188 kiến nghị khác có 1.170 kiến nghị đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời. Trong đó, 697 kiến nghị đã được tiếp thu và giải quyết, 263 kiến nghị đang trong quá trình xem xét, 94 kiến nghị được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách, 66 kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri, 50 kiến nghị tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề cử tri đã có kiến nghị tại các kỳ họp trước như: việc kiểm tra, rà soát, đánh gái về quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên; vấn đề xây dựng sân golf ở các địa phương...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, theo đó số lượng sân golf đưa vào quy hoạch đã giảm được 77 sân với diện tích 9.000ha so với quy hoạch của các địa phương và giảm 27 sân so với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, còn nhiều kiến nghị được trả lời đang xem xét, giải quyết nhưng các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, việc giải quyết còn chậm, có trường hợp còn tránh né, đùn đẩy trách nhiệm. Một số văn bản trả lời chưa đúng, chưa sát với nội dung kiến nghị hoặc chưa được cử tri và đoàn đại biểu Quốc hội đồng tình.

Về nội dung kiến nghị xung quanh việc quản lý, điều hành xuất khẩu gạo, đặc biệt là kiến nghị xem xét lại vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo, Ban Dân nguyện khẳng định Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương đã không làm đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật nên đã phê duyệt Điều lệ của Hiệp hội có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp với quy định tại điều 9, Luật Thương mại.

Tiếp thu ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết sẽ cùng với Bộ Nội vụ xem xét sửa đổi những quy định không phù hợp trong Điều lệ. Bộ này đã đứng ra ban hành các quy định về ký kết, thực hiện các hợp đồng gạo và đăng ký các hợp đồng thương mại mà trước đây do Hiệp hội ban hành.

Về quy hoạch thủ đô, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và nhiều đại biểu khác đều nhất quán quan điểm cần để Quốc hội thảo luận, có trách nhiệm với Chính phủ để quyết định vấn đề này. Sau khi thảo luận, sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị với Chính phủ xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng đồ án quy hoạch chung về xây dựng thủ đô cần xin ý kiến nhân dân ba miền. Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, nên bố trí một ngày và phải thảo luận tại hội trường.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tán thành với đề xuất rút khỏi chương trình ba Luật, để có thêm thời gian chuẩn bị cho chu đáo và tạo sự thống nhất cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có các báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin về tình hình thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc quy hoạch các dự án thủy điện, một số tỉnh cho nước ngoài thuê đất trồng rừng và thực trạng thi hành Luật ngân sách, quy hoạch thủ đô dưới hình thức cung cấp thông tin cho đại biểu quốc hội biết.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII sẽ được tiến hành trong 24,5 ngày, từ ngày 20/5 đến 19/6./.

Chu Thanh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục