Dự trữ ngoại hối của Nhật giảm còn 1.101 tỷ USD

Dự trữ ngoại hối của Nhật trong tháng 11 giảm còn 1.101 tỷ USD, ít hơn so với mức kỷ lục 1.118 tỷ USD vào tháng 10.
Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) ngày 7/12 thông báo dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 11 giảm còn 1.101 tỷ USD, ít hơn 17,09 tỷ USD so với mức kỷ lục hơn 1.118 tỷ USD vào tháng 10.

Theo MOF, lượng ngoại hối giảm do chính quyền Nhật Bản không có bất cứ can thiệp nào vào thị trường ngoại hối trong khoảng thời gian từ ngày 28/10 đến 26/11.

Trước đó, MOF cho biết trong tháng Chín, Nhật Bản đã sử dụng khoảng 2.1249 tỷ yen (tương đương 25,69 tỷ USD) cho việc can thiệp tiền tệ, nhằm chặn đà tăng giá của đồng yen. Việc đồng yen tăng giá so với USD đã làm tổn hại khả năng cạnh tranh của khu vực xuất khẩu của Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng mức ngoại hối Nhật Bản giảm bởi MOF quyết định làm chậm lại việc can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua nghiệp vụ bán đồng yen để mua USD, sau khi có những tín hiệu ban đầu cho thấy đồng USD và đồng euro đang dần hồi phục, giúp tăng giá trị xuất khẩu của Nhật Bản cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh với bên ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á này.

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản hiện vẫn cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc với mức dự trữ ngoại hối lên tới 2.450 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, ngày 7/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá các nền kinh tế đang nổi ở khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay. ADB cũng cho rằng mức tăng trưởng tại khu vực này có thể chỉ còn 7,3% trong năm 2011 trong bối cảnh có những quan ngại về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo của Cơ quan giám sát kinh tế châu Á thuộc ADB số ra tháng 12 cho thấy "sự phục hồi mạnh mẽ" ở hầu hết các nền kinh tế đang nổi ở Đông Á trong năm 2010, với việc rất nhiều thị trường chứng khoán phục hồi. Theo đó, Đông Á tiếp tục là khu vực đi tiên phong trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

ADB cho rằng trong năm tới, sự tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại do các chính phủ rút dần những chương trình kích thích kinh tế. Trước đó, hồi tháng Chín, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng ở khu vực Đông Á lên 8,4% do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo.

Báo cáo của ADB được thực hiện đối với các nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Lào, Indonesia, Campuchia..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục