Bảo tồn trên... giấy

Phố cổ Hà Nội chỉ mới được bảo tồn trên... giấy

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhìn nhận về việc bảo tồn khu phố cổ, phố cũ của thủ đô Hà Nội rằng thực chất mới chỉ là bảo tồn trên giấy.
Đã có gần 10 ý kiến tâm huyết của các chuyên gia kiến trúc, chuyên gia văn hóa tại buổi tọa đàm “Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở thủ đô Hà Nội - Trường hợp Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050” vào ngày 7/5 tại Hà Nội.

Các chuyên gia phần lớn đều nhấn mạnh đến tiêu chí quy hoạch thủ đô: Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều đóng góp xung quanh vấn đề làm thế nào xây dựng hình ảnh Hà Nội trở thành một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, phát triển và bảo tồn những di sản văn hóa xứ Kinh kỳ cũng rất đáng được quan tâm.

Điều kiện sống ở phố cổ: Nhếch nhác


Trước hiện tượng các di tích lịch sử ngày càng bị con người “can thiệp” một cách thô bạo bằng sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm với các giá trị được coi là di sản văn hóa, nhiều chuyên gia đã tỏ ra bức xúc.

“Chúng ta cứ nói bảo tồn những di sản văn hóa cực kỳ quý hiếm đó nhưng lại cứ cho mọc lên những người ‘khổng lồ’ đứng rất kệch cỡm xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nó không chỉ gây bức xúc cho những người quan tâm đến văn hóa Việt mà ngay đến những du khách có tầm nhìn về văn hóa cũng thấy khó chịu…,” nhà văn Hoàng Quốc Hải, người nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hà Nội lâu năm nói về việc bảo tồn khu phố cổ, phố cũ của Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Hải thẳng thắn nhìn nhận “mới chỉ bảo tồn trên giấy. Chúng ta chưa làm được gì cả chứ chưa nói đến việc đang làm nó tàn lụi đi.” Thậm chí ông Hải còn hài hước cho rằng: “Liệu chúng ta có khả năng bảo tồn khu phố cổ này không hay là cứ giữ nguyên đấy cho nó nhếch nhác mà ngay bản thân những người dân sống ở đó cũng không chịu nổi.”

Còn Giám đốc Trung tâm Cổ Loa, Hà Nội Nguyễn Văn Sơn thì cho rằng bảo tồn di tích phải đi đôi với bảo tồn cảnh quan: “Việc Bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long còn gặp nhiều khó khăn như nóng ẩm, mưa nhiều, mạch nước ngầm. Nếu làm nhà mái che sẽ làm di vật xuống cấp dần. Hiện Trung tâm Cổ Loa đang trưng cầu ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để bảo tồn.”

“Theo tôi, việc số một của bảo tồn di tích là phải bảo tồn cảnh quan, nếu không sẽ mất cảm xúc về khu di tích,” ông Sơn nói.

Những giải pháp về bảo tồn khu 36 phố phường cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện sinh sống của dân cư khu phố này. Do đó, bảo tồn cần nâng cao đời sống dân cư. Các làng nghề đang bị áp lực trong mở rộng, xây dựng tràn lan nên cũng cần có hướng quy hoạch, bảo tồn phù hợp mà vẫn giữ được không gian và bản sắc. Đó là ý kiến của Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Đỗ Tú Lan.

Xác định không gian trục văn hóa

Đồ án Quy hoạch vùng thủ đô, trong đó đề cập đến việc xác định không gian trục văn hóa đã trở thành một trong hai vấn đề lớn được quan tâm bên cạnh dự án Luật Thủ đô trong phiên họp thứ 31 của Thường vụ Quốc hội từ ngày 6/5 tới 13/5.

Về trục Thăng Long, Đồ án tính đến việc kết nối giữa Ba Vì với trung tâm Ba Đình lịch sử. Ngoài chức năng về giao thông, đây cũng là trục không gian văn hóa kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài. Trên tuyến trục sẽ xây dựng mới công trình văn hóa, lịch sử và giải trí của cả nước và Hà Nội. Trung tâm hành chính quốc gia dự kiến đặt tại khu vực Ba Vì-Hòa Lạc được gắn với trục Thăng Long này.

Bà Đỗ Tú Lan cho rằng: “Để hoàn thiện không gian Hà Nội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và tiến tới hội nhập, bản Đồ án có những nét sáng tạo như: xác định lại các đô thị trung tâm, vệ tinh khoa học hơn và xác định rõ các công trình bảo tồn tôn tạo có tính liên hoàn với các công trình mới để tăng giá trị; tạo nên một số trục văn hóa tâm linh từ Cổ Loa sang Hoàng Thành, bên cạnh đó có biện pháp bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của Hà Nội.”

Theo bà Lan, nhiệm vụ đặt ra không chỉ là xác định rõ các khu vực bảo tồn, tôn tạo mà cần thiết phải gắn kết với những công trình mới nhằm tạo ra hệ thống văn hóa có tính liên hoàn, phát triển bền vững. Chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn phải phát triển nó lên và kết nối với những không gian mới để tăng giá trị.

Về tổ chức quy hoạch chung, Phó Chủ nhiệm văn phòng thường trực ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô, ông Đỗ Viết Chiến đặc biệt nhấn mạnh: “Cây xanh, mặt nước và văn hóa là đặc trưng riêng của Hà Nội, là linh hồn của thủ đô vì vậy việc tổ chức quy hoạch chung sẽ phải dựa trên ba yếu tố này,” do hiện tại “Hà Nội đang chịu sức ép bởi dân số tăng, di dân đang ngày càng trở nên phức tạp, gay cấn cần giải quyết. ‘Vành đai xanh’ đang có xu hướng bị phá vỡ, ‘vây lấp’ bởi các dự án lớn.”./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục