“Mốt” hù dọa cảnh sát

“Mốt” hù dọa cảnh sát: Càng phạt "bệnh" càng nặng?

Đối tượng phạm luật ngày càng lạm dụng chiêu "người nhà ông nọ bà kia” để hù dọa cảnh sát và việc xử phạt dường như không có tác dụng.
“Hù” cảnh sát giao thông bằng mác người nhà “ông nọ bà kia” đang trở thành mốt… quái gở của nhiều đối tượng vi phạm giao thông. Chẳng rõ những mối quan hệ ấy là thật hay giả nhưng rõ ràng chuyện “mượn oai hùm” đang khiến nhiều người nghi ngại về thói quen lạ của người thành phố.

Khi quan chức bỗng… có họ khắp nơi

Cách đây vài ngày, chuyện một thanh niên lăng mạ cảnh sát bằng mối quan hệ trên trời với những nhân vật có tiếng đã khiến dư luận xôn xao.

Khi bị tổ công tác đặc biệt Y1/141 kiểm tra vì không cài quai mũ bảo hiểm, người thanh niên lạ mặt đã điện thoại đề nghị gọi điện cho trưởng công an quận. Chưa đủ sức nặng, đối tượng này trong khi bị áp giải về công an phường Điện Biên, thậm chí còn hù dọa sẽ “lên gặp Thủ tướng.”

Đây không phải câu chuyện duy nhất về việc mượn oai quan hòng thoát thân khi bị lực lượng cảnh sát kiểm tra.

Trước đó, tháng 12/2011, nhiều người vẫn nhớ chuyện chủ nhân của chiếc xe hạng sang BMW X6 không đeo biển kiểm soát đi từ hướng Âu Cơ ra đường Thanh niên bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Điều đặc biệt là, vừa bước xuống xe, đôi nam nữ trên xe đã vội giới thiệu là người nhà của trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an Hà Nội) và đại tá Nguyễn Đức Chung (Phó giám đốc Công an Hà Nội). Thậm chí, khi nhà chức trách lập biên bản do không xuất trình được bằng lái, tài xế không chịu khai báo về thông tin cá nhân và bỏ đi.

Đó chỉ là một vài trong nhiều trường hợp đối tượng vi phạm giao thông cậy vào những mối quan hệ chẳng biết thực hư ra sao để hù dọa lực lượng chức năng.

Thừa nhận thực tế này, Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng tuyên truyền Luật đường bộ, Cục cảnh sát đường bộ đường sắt, Bộ Công an, cho rằng tính chất của những hành vi trên đang ngày một nghiêm trọng.

Đặc biệt hơn, theo thượng tá Sơn, phần lớn các trường hợp chỉ mượn danh những người mà… ai cũng biết. Lấy ví dụ trường hợp đôi nam nữ nọ, thượng tá Sơn khẳng định, hai người này không hề quen biết trung tướng Nhanh, thậm chí chính tướng Nhanh cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp này.

“Họ nghĩ rằng nêu lên những mối quan hệ thân thích với cán bộ cao cấp thì anh em sẽ chùn tay. Thực tế, gặp phải những trường hợp như thế, lực lượng cảnh sát rất kiên quyết và được mọi người ủng hộ,” đại diện Cục cảnh sát đường bộ-đường sắt nói.

Điểm đáng chú ý khác, theo thượng tá Sơn, những đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ đang có xu hướng trẻ hóa. Những đối tượng này nếu không hù dọa được lại sẵn sàng đưa hối lộ, lăng mạ hay thậm chí hành hung người làm nhiệm vụ.

Phạt chỉ là biện pháp cuối cùng?

Đứng ở góc độ xã hội, tiến sỹ xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, Đại học Công Đoàn, lý giải thực tiễn cũng cho thấy, những ai vi phạm giao thông mà có người quen thì đều giải quyết được. Một trong những nguyên nhân, theo tiến sĩ, đó là do hệ thống những người kiểm soát giao thông cũng chưa hề nghiêm túc trong việc xử phạt lỗi người tham gia giao thông.

“Và khi người vi phạm thấy việc mạo nhận con cháu quan chức mà mang lại được hiệu quả cho họ thì đương nhiên họ cứ làm theo thôi,” tiến sĩ Vân Anh nói.

Bàn về vấn đề xử phạt, thượng tá Trần Sơn thừa nhận, mức phạt tiền với những hành vi vi phạm hành chính đặc biệt là trong khu vực nội thành đã khá cao so với mặt bằng xã hội. Nhiều hành vi có mức xử phạt có thể lên tới vài chục triệu đồng.

Điều này cũng dẫn tới việc, một số đối tượng vi phạm, khi gặp phải kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng thì có những hành vi tìm mọi cách để trốn tránh việc xử lý, thậm chí chống người thi hành công vụ.

Vì thế, theo thượng tá Sơn, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến các địa phương và xây dựng lại chế tài xử phạt trong Nghị định 34 sao cho mức xử phạt phù hợp và đủ sức răn đe.

Trong khi đó, tiến sỹ Vân Anh lại cho rằng, càng nâng cao mức xử phạt thì người vi phạm giao thông lại càng nháo nhào tìm người thân quan chức và tỷ lệ giả mạo sẽ càng tăng lên.

Vì vậy, theo bà Vân Anh, phạt chỉ là biện pháp cuối cùng và mức phạt phải tương xứng với nhiều vấn đề xã hội khác.

“Điều quan trọng nhất ở đây là hệ thống xử lý phải nghiêm và hành xử của cảnh sát giao thông phải thật chuẩn,” bà Vân Anh nói./.

Xuân Dũng - Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục