Nghi can vụ WikiLeaks đã nhiều lần muốn tự sát

Nghi can vụ WikiLeaks, binh nhì Mỹ Bradley Manning, thừa nhận đã suy sụp tinh thần trong khi bị giam giữ và định tự sát trong tù.

Nghi can vụ WikiLeaks, Bradley Manning, thừa nhận đã suy sụp tinh thần trong khi bị giam giữ và định tự sát khi lần đầu anh ra trước tòa trong phiên điều trần trước xét xử ngày 29/11.

Binh nhì 24 tuổi thuộc quân đội Mỹ, có thể lãnh án tù chung thân với các cáo buộc tuồn tài liệu cho trang web WikiLeaks, nói anh “bắt đầu suy sụp” không lâu sau khi bị bắt giữ tháng 5/2010. Trong ba giờ đồng hồ hỏi và trả lời, Manning cho thấy óc hài hước khi anh bình tĩnh nhớ lại cách mình bị đối xử khi bị tạm giam chờ xét xử ở Kuwait rồi sau đó là ở một nhà tù tại Quantico, bang Virginia. Manning yêu cầu tòa hủy vụ này vì những trừng phạt bất hợp pháp mà anh nói anh phải hứng chịu trong khi bị giam giữ trước xét xử suốt chín tháng tại nhà tù Quantico, nơi anh bị giám sát không được tự tử và bị giam riêng 23 tiếng mỗi ngày. Manning, bị cáo buộc là thủ phạm vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử nước Mỹ, đối mặt với hàng loạt lệnh truy tố tiết lộ thông tin cho WikiLeaks làm mất mặt chính phủ Mỹ và khiến nhiều đồng minh của Washington phật lòng. Luật sư bên bị David Coombs tập trung các câu hỏi về quá trình giam giữ Manning ở Iraq và Kuwait, rồi sau đó tại nhà tù của thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia vào tháng 7/2010. Manning nói không lâu sau khi bị giam giữ, anh không được nghe nhận điện thoại nữa và cảm thấy ngày càng lo lắng và căng thẳng. “Tôi bắt đầu hoàn toàn suy sụp,” Manning nói. Trước khi được chuyển tới Quantico, Manning nói các giám thị ở nhà tù Mỹ tại Kuwait đã nhiều lần khám xét buồng giam và lục lọi tư trang của anh. Anh nói cảm thấy ngày càng “vô vọng”. Manning cũng nói anh đã có ý định tự tử và nói điều đó với các chuyên gia tâm lý của trại giam. “Tôi đã định tự sát vài lần”, anh nói. “Tôi đã muốn từ bỏ tất cả. Thế giới của tôi đã sụp đổ”. Manning nói anh sợ có thể bị chuyển vào nhà tù do Mỹ kiểm soát ở vịnh Guantanamo, Cuba hay một nơi xa xôi nào đó và thấy ngạc nhiên một cách đáng hài lòng khi biết anh được đưa trở về Mỹ. Tại Quantico, Manning nói anh đã bị lấy mất kính, phải xin giấy vệ sinh và buộc phải cởi quần lót vào buổi tối, ngủ trên sàn nhà dành riêng cho các phạm nhân có ý định tự tử. Trong phiên điều trần ngày 29/11 tại căn cứ quân sự Meade, Maryland, Manning đã được yêu cầu mô tả lại anh bị giam giữ ra sao trong tình huống giả định trước tòa. Manning nói phòng giam của anh có kích thước 1,8 x 2,4 mét, bao gồm cả nhà vệ sinh và bồn rửa mặt. Anh cũng phải mặc áo chống tự sát giống như cái mà anh đã mặc trước đó trong suốt quá trình bị tạm giam. Trong quá trình điều trần, Manning ngày càng tỏ ra dễ chịu hơn và đôi khi nở nụ cười lúc anh tả lại về thời gian của mình ở Quantico. “Điều lý thú nhất trong căn phòng là chiếc gương,” anh nói, gây ra vài tiếng cười trong phòng xét xử. Hai chuyên gia tâm lý của quân đội Mỹ trước đó đã nói với tòa rằng những điều kiện khắc nghiệt với Manning tại nhà tù Quantico là không cần thiết, chưa có tiền lệ trong quá trình tạm giam và đi ngược lại các lời khuyên y khoa của họ.

Bradley Manning vẫn mặc quân phục khi ra điều trần (Nguồn: AFP)
Đại úy William Hocter, một bác sĩ của hải quân đã khám cho Manning gần như mỗi tuần trong năm 2010, nói trước tòa ngày thứ Tư là việc giám sát tự sát là “ngớ ngẩn” và binh nhìn này không có dấu hiệu ban đầu nào cho thấy anh sẽ tự sát. Cách đối xử với Manning ở Quantico đã gây ra phản đối trong cộng đồng quốc tế và các nhóm nhân quyền. Sau khi bị giam từ tháng 7/2010 tới tháng 4/2011 ở Quantico, Manning được chuyển đến một nhà tù tại căn cứ Leavenworth, Kansas, nơi nhà chức trách kết luận anh không có nguy cơ tự sát và để anh được giam giữ như tù nhân bình thường.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục