Tỷ giá tăng chưa gây tác động tới giá cả hàng hóa

Thị trường ngoại hối đã biến động mạnh trong nửa cuối tháng Tám này. Tỷ giá VND/USD ngoài thị trường tự do, trong ngân hàng và mới nhất là lãi suất huy động USD của các ngân hàng đã bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng việc tăng tỷ giá giữa VND/USD vừa qua không tác động lớn đến giá cả hàng hóa.
Thị trường ngoại hối đã biến động mạnh trong nửa cuối tháng Tám này. Tỷ giá VND/USD ngoài thị trường tự do, trong ngân hàng và mới nhất là lãi suất huy động USD của các ngân hàng đã bắt đầu tăng lên.

Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng nhập khẩu chưa có biến động nào đáng kể.

Ít ảnh hưởng giá cả

Tại buổi họp đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tám này, do Tổ điều hành thị trường thuộc Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, nhiều ý kiến đổ lỗi cho biện pháp đột ngột tăng tỷ giá giữa VND/USD là một trong những nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng còn phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu như sữa, sắt thép, đường kính, phân bón, thức ăn chăn nuôi gia súc... tăng.

Hơn nữa, một số siêu thị, trung tâm thương mại cũng rục rịch tăng giá hàng trăm mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng một chính sách bao giờ cũng có tác động hai chiều, cả tốt lẫn xấu. Đánh giá về việc “được và mất,” chính sách điều chỉnh tỷ giá vẫn có lợi nhiều hơn.

Hơn nữa, việc tăng tỷ giá vừa qua không tác động lớn đến giá cả hàng hóa (mức điều chỉnh chỉ bằng 2,1%), không ảnh hưởng nhiều đến CPI, ông Trong nói.

Đại diện của Tổng cục Hải quan cũng khẳng định việc tăng tỷ giá không ảnh hưởng đến CPI, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì thời gian qua, khi có sự chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng và thị trường tự do lớn, các doanh nghiệp vẫn phải mua ngoại tệ với mức giá tương đương thị trường tự do (theo tỷ giá liên ngân hàng cộng thêm chi phí), mà chi phí phát sinh lại không được thanh toán.

Vì thế, khi ngân hàng điều chỉnh tỷ giá tương đương thị trường tự do, doanh nghiệp được phép thanh toán một cách công khai, điều đó chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Lấy lý do tăng tỷ giá để đẩy chi phí đầu vào của sản xuất là việc làm bất hợp lý.

Vị đại diện của Tổng cục Hải quan cũng cho biết thực tế từ việc giám sát tình hình xuất nhập khẩu trong thời gian qua cho thấy, giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thị trường thế giới không tăng nhiều như các hiệp hội và doanh nghiệp “kêu,” thậm chí nhiều mặt hàng còn có xu hướng giảm hoặc ổn định như hiện nay dầu thô giảm ở mức xung quanh 70 USD/thùng, giá phôi thép, phân bón... không tăng nhiều.

Giá hàng nhập khẩu sẽ tăng nhẹ

Mặc dù các cơ quan chức năng cho rằng tăng tỷ giá sẽ không làm tăng giá cả nhưng thực tế các doanh nghiệp nhập khẩu dự kiến sẽ tăng giá hàng hóa thêm khoảng 3% trong thời gian tới.

Một doanh nghiệp nhập khẩu máy tính trên phố Láng Hạ, Hà Nội cho biết “Chúng tôi vẫn chưa tăng giá sản phẩm vì đang bán nốt số hàng hóa còn tồn kho nhập về từ lúc tỷ giá chưa tăng. Chúng tôi vừa nhập thêm một lô sản phẩm mới. Vì tỷ giá tăng khoảng thêm 2,1% nên chúng tôi cũng dự định sẽ tăng giá thêm khoảng 3% đối với tất cả các sản phẩm.”

Theo ông Mai Huy Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt, việc điều chỉnh tỷ giá từ 19.100 lên 19.500 VND/USD khiến cho công ty phải mất thêm vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên công ty vẫn chưa tăng giá sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Tân cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên có một lộ trình về việc tăng tỷ giá và điều chỉnh mức tăng hợp lý, tránh gây bất ngờ cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định tỷ giá có thể kích giá một số mặt hàng lên nhưng không đáng kể, chỉ ở mức khoảng 2%./.

Thanh Hương-Hữu Vinh (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục