Luật cần tăng tính tự chủ cho ngân hàng hoạt động

Đại diện ngân hàng thương mại đề nghị dự Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tăng tính chủ động, tự chủ của tổ chức tín dụng.
Đại diện của nhiều ngân hàng thương mại khi tham gia góp ý dự Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì ngày 15/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị dự Luật hướng đến  tăng tính chủ động, tự chủ của các tổ chức tín dụng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập trong khi vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và quản lý rủi ro tốt.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng Luật cần đảm bảo phạm vi hoạt động thông thoáng của các tổ chức tín dụng; hạn chế việc sau khi có Luật phải có giấy phép con, những hoạt động mang tính đặc thù là thông lệ và tồn tại từ lâu của ngành không cần phải xin phép.

“Luật không nên ôm đồm quy định chi tiết các thủ tục và giấy phép, vì càng chi tiết càng không đầy đủ và càng gây khó cho các tổ chức tín dụng. Liều lượng cấp phép vẫn còn quá lớn”, đại diện Vietcombank nói.

Ông Trương Văn Phước, đại diện Eximbank cho rằng còn có nhiều điều khoản chi tiết của dự Luật không tương thích với Luật Ngân hàng Nhà nước (cùng được sửa đổi và thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới) cũng như một số luật liên quan.

Đối với những quy định về lãi suất, ông Phước cho rằng hệ thống thị trường luôn có những chỉ báo quan trọng, do vậy, Việt Nam cần có một lộ trình tự do hóa cơ chế lãi suất thỏa thuận bắt đầu từ các quy định pháp lý, để cho thị trường cung-cầu tác động và tự điều chỉnh theo quy luật.

“Luật không chỉ xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp mà còn có ý nghĩa tiên liệu các sự việc pháp lý sắp xảy ra trong một giai đoạn phát triển lâu dài”, ông Phước nói về mục tiêu của dự Luật.

Nhiều ý kiến tán thành với chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi ông đề nghị dự luật thận trọng phân tách những quy định về ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại để xác định rõ những phạm vi loại trừ và cho phép đối với hai loại hình này.

Đối với quy định cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư kinh doanh, cổ phiếu, các ý kiến thiên về việc phân biệt giữa vay đầu tư cổ phiếu và vay kinh doanh cổ phiếu, áp dụng các điều kiện và giới hạn được phép cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các chuyên gia kinh tế, luật pháp tiếp tục đóng góp ý kiến, làm rõ thêm những vấn đề còn có sự khác biệt quan điểm khá lớn như cho vay của ngân hàng thương mại và công ty đầu tư vào chứng khoán, vấn đề đầu tư chéo, tỷ lệ cho vay đối với chi nhánh một ngân hàng nước ngoài.

“Có cảm giác những chủ thể như Ngân hàng Nhà nước hơi giật mình thông qua hai cuộc khủng hoảng nên tinh thần thắt chặt là chính”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét về hai dự luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này.

Ông cho rằng hai đạo luật đặc thù này nên càng cụ thể càng tốt, hạn chế ra văn bản dưới Luật. Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành đã để lại khoảng 40 vấn đề giao Ngân hàng Nhà nước quy định trong các văn bản dưới luật.

“Chúng tôi đang xin phép Quốc hội cho phép mềm hơn trong các hoạt động của Ủy ban Thường vụ để kịp thời khắc phục tình trạng luật không điều chỉnh kịp thực tiễn phát sinh đồng thời kiến nghị Quốc hội cân nhắc việc họp theo quý, thời gian mỗi lần họp ngắn hơn để xử lý kịp thời nhiều vấn đề phát sinh, khắc phục tình trạng dùng một luật để sửa vấn đề liên quan rải rác ở nhiều luật hiện nay”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục