Giải trí 3D: "Đích ngắm" nội dung lẫn công nghệ

Người tiêu dùng đang bị cuốn vào cơn lốc phim ảnh giải trí 3D với bằng chứng cụ thể là sự thành công của bộ phim 3D "Avatar."
Người tiêu dùng đang bị cuốn vào cơn lốc phim ảnh giải trí 3 chiều (3D), với bằng chứng cụ thể là sự thành công của bộ phim phiêu lưu mạo hiểm "Avatar" hoàn toàn bằng hình ảnh 3D, đang đuổi sát doanh thu kỷ lục của Titanic.

Với hy vọng về nhu cầu tăng mạnh của công chúng đối với các nội dung 3D, các nhà làm phim Hollywood đang sử dụng công nghệ 3D trong nhiều bộ phim hơn trong khi các nhà sản xuất máy thu hình cố gắng đưa công nghệ này tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng.

Tuy nhu cầu về nội dung 3D gia tăng ở địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, phòng chiếu phim song công nghệ này chưa thể nhanh chóng “xâm nhập” vào phòng khách gia đình.

Vấn đề nằm ở chỗ chi phí để “3D hóa” mỗi phòng khách gia đình có thể lên tới 4.000 USD. Đây là rào cản có thể làm nản lỏng cả những người ủng hộ công nghệ 3D nhiệt thành nhất.

Ông Mike Fasulo, Giám đốc tiếp thị của công ty sản xuất hàng điện tử gia dụng Sony Electronics (Nhật Bản), cho rằng sẽ không có một sự phát triển bùng nổ công nghệ 3D trong các thiết bị điện tử gia đình cho đến năm 2013.

Tuy vậy, ông dự đoán triển vọng của lĩnh vực này khá sáng sủa. Sony hiện là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử tung ra các dòng sản phẩm TV và DVD tương thích 3D tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) khai mạc ngày 7/1 tại Las Vegas (Mỹ).
 
Sony dự đoán các loại TV 3D sẽ chiếm tới 50% tổng doanh số bán TV của hãng trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2013, so với mức 0% của tài khóa hiện nay.

Mặc dù Panasonic là một trong những nhà cung cấp thiết bị công nghệ 3D lớn nhất đầu tiên trên thế giới, song Sony hy vọng sẽ giành được vị thế số 1 trước sự cạnh tranh của các đối thủ lớn nhất, trong đó có Samsung và LG.

Với cú hích từ sự thành công của bộ phim Avatar, các nhà sản xuất phim ở Hollywood đang ủng hộ công nghệ giải trí 3D.

Tất cả các bộ phim trong tương lai của Disney và DreamWorks Animation sẽ được thể hiện dưới dạng 3D, trong khi các nhà sản xuất phim khác ngày càng tích cực kết hợp công nghệ 3D trong phim, hòa nhạc và sự kiện thể thao.

Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh DirectTV dự định giới thiệu một kênh truyền hình 3D ngay trong năm nay.

Tuy vậy, người tiêu dùng chưa thể nhanh chóng tiếp nhận công nghệ 3D do vấn đề chi phí khá cao. Điều này giải thích tại sao một số nhà sản xuất khác đặt cược lớn vào công nghệ 3D lại dự kiến một sự bùng nổ nhu cầu trong ngắn hạn.

LG dự đoán sẽ chỉ bán 400.000 TV 3D năm 2010, một con số khá nhỏ so với sản lượng 25 triệu máy thu hình độ nét cao của hãng.

Panasonic và Samsung cũng “trình làng” TV 3D mới tại CES, song lãnh đạo các doanh nghiệp này dự đoán doanh số bán chỉ đạt mức vừa phải trong năm 2010.
 
Về phần mình, công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch dự đoán thị trường TV 3D sẽ đạt 1,1 tỷ USD năm 2010 và tăng mạnh lên 15,8 tỷ USD năm 2015./.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục