Họp ra mắt Hội đồng hòa bình và hòa giải châu Á

Hội đồng hòa bình và hòa giải châu Á là diễn đàn để chia sẻ quan điểm, trao đổi các nghiên cứu và thúc đẩy tiến trình kiến tạo hòa bình.
Sáng 23/1, tại trụ sở Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra cuộc họp ra mắt của Hội đồng hòa bình và hòa giải châu Á (APRC).

Cuộc họp có sự tham gia của Chủ tịch APRC, cựu Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Surakiart Sathirathai, các Phó chủ tịch và thành viên Châu Á của APRC, trong đó có cựu Phó Tổng thống Indonesia Yusuf Kalla, cựu Thủ tướng Malaysia, Abdullah bin Haji Ahmad Badawi, cựu Thủ tướng Pakistan, Shaukat Aziz, đại diện phái đoàn thường trực các nước tại ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các Đại sứ và đại diện Đoàn Ngoại giao các nước tại Indonesia.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch APRC Surakiart Sathirathai đã giới thiệu các thành viên, quá trình thành lập, vai trò và nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức của APRC, với mục tiêu duy nhất là thúc đẩy và giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực thông qua các sáng kiến, xúc tiến đối thoại và hòa giải các tranh chấp hay xung đột.

Ông Surakiart Sathirathai cho biết ý tưởng thành lập một mạng lưới các chuyên gia, các nhân vật, các nhà lãnh đạo có uy tín và giàu kinh nghiệm để thúc đẩy hòa giải và kiến tạo hòa bình trong khu vực đã được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị chuyên đề “Châu Á trong thập kỷ tới”, do Viện Đối ngoại Saranrom (SIFAF), Viện Luật và Chính sách toàn cầu (IGLP) thuộc Đại học Luật Havard và Chương trình IGLP của Trường Đại học Chulalongkorn phối hợp tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 24-25/8/2011.

Tại hội nghị này, những người tham dự bao gồm các nhà cựu lãnh đạo nhà nước và chính phủ, cựu bộ trưởng, học giả và doanh nhân có tên tuổi đã nhất trí cho rằng Châu Á có một vai trò quan trọng trong các vấn để kinh tế-xã hội toàn cầu trong thập kỷ tới, song cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nẩy sinh từ các tranh chấp, xung đột trong nước và quốc tế, nên cần có một tổ chức quốc tế khu vực độc lập, phi chính phủ, tập hợp các cá nhân có trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết để thúc đẩy hòa bình và hòa giải các tranh chấp, xung đột. Trên cơ sở này, APRC đã được thành lập trong cuộc họp ngày 4-5/9/2012 tại Bangkok.

Ông Surakiart Sathirathai nêu rõ mục đích của APRC là thành lập một mạng lưới các chuyên gia trong và ngoài Châu Á, và là diễn đàn để chia sẻ quan điểm, trao đổi các nghiên cứu, phân tích nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình kiến tạo hòa bình, quản lý xung đột và hòa giải theo đề nghị của các chính phủ và các cộng đồng phải đối mặt với các tranh chấp, xung đột chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo hay căng thẳng trong quan hệ song phương.

Ông Surakiart Sathirathai nêu bật ba đặc tính độc đáo của APRC. Đó là các thành viên sáng lập của APRC, nay là thành viên Hội đồng, đều giàu kinh nghiệm, kiến thức và hiểu biết thực tiễn, chính trị, xã hội, quan hệ đối nội, đối ngoại, xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột. Mỗi thành viên Hội đồng không đại diện cho một quốc gia, chính phủ hay chính đảng nào và tham gia với tư cách như một công dân toàn cầu; APRC là một tổ chức quốc tế, độc lập, phi đảng phái, phi chính phủ có khả năng tiếp cận tới tất cả các cấp ra quyết định liên quan trong các xung đột; và mỗi thành viên APRC có thể đóng góp cho hòa bình trong khuôn khổ APRC một cách cá nhân hay tập thể, để có thể phát huy cao nhất tiềm năng ngăn chặn xung đột và thúc đẩy đối thoại hòa bình.

Ông Surakiart Sathirathai cũng nhấn mạnh đến các nguyên tắc của APRC, bao gồm trung lập, không can thiệp, chỉ hoạt động theo đề nghị của các bên liên quan đến xung đột là các chính phủ hay các cộng đồng địa phương, ngoại giao im lặng trong thương lượng và phối hợp hoạt động, với tư cách như một nhà hòa giải, trung gian, tìm kiếm giải pháp cho đối thoại hòa bình, ngăn chặn hay giải quyết xung đột.

Trả lời những vấn đề quan tâm về APRC của các đại biểu tham dự và giới truyền thông, các ông Yusuf Kalla, Abdullah bin Haji Ahmad Badawi, Shaukat Aziz, đã nhấn mạnh đến mong muốn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa APRC với ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các nhà lãnh đạo chính phủ và nguyên thủ các nước châu Á, đồng thời khẳng định sự cần thiết đảm bảo quyền được sống hòa bình, an ninh và ổn định của tất cả mọi người dân, trong đó mọi xung đột, bao gồm cả tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cần được giải quyết thông qua con đường thương lượng, đối thoại hòa bình.

Ngoài ra, các thành viên APRC cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm, bài học trong tiến trình thực hiện hòa giải, kiến tạo hòa bình thành công ở một số nơi của Châu Á, như Aceh ở miền Bắc Indonesia, Mindanao ở miền Nam Philippines, tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, hay tiến trình xây dựng dân chủ và hòa bình ở Myanma.

APRC hiện bao gồm 23 thành viên, trong đó ngoài các nhân vật nói trên còn có các cựu Tổng thống Timor Leste, Chile, Ba Lan, cựu Thủ tướng Australia, cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cựu Chủ tich Hạ viện Philippines, Phó Thủ tướng Singapore, các cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, cựu Bộ trưởng Tài chính Philippines, cựu Bộ trưởng Du lịch Thái Lan, Giám đốc Viện IGLC, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Giám đốc Liên minh kiến tạo hòa và chuyển đổi xung đột (PACTA) Phần Lan, và cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục