Tuần giao dịch đen tối nhất trong năm ở Phố Wall

Phố Wall đã trải qua tuần giao dịch mất điểm mạnh nhất trong năm nay do nỗi lo về nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương và sức tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế Mỹ đã thôi thúc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển sang các tài sản khác an toàn hơn. Mở sàn phiên đầu tuần 25/7 Phố Wall đã lao dốc do Washington vẫn bế tắc trong việc nâng mức trần nợ công trước hạn chót là ngày 2/8 nhằm tránh nguy cơ bị vỡ nợ và hãng xếp hạng Moody's hạ 3 bậc xếp hạng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp từ Caa1 xuống Ca.
Phố Wall đã trải qua tuần giao dịch mất điểm mạnh nhất trong năm nay do nỗi lo về nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương và sức tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế Mỹ đã thôi thúc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển sang các tài sản khác an toàn hơn.

Mở sàn phiên đầu tuần 25/7 Phố Wall đã lao dốc do Washington vẫn bế tắc trong việc nâng mức trần nợ công trước hạn chót là ngày 2/8 nhằm tránh nguy cơ bị vỡ nợ và hãng xếp hạng Moody's hạ 3 bậc xếp hạng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp từ Caa1 xuống Ca.

Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt đều để mất điểm, trong đó giảm mạnh nhất là Dow Jones (0,70%) xuống đóng cửa ở mức 12.592,80 điểm; chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng để mất 0,56% xuống tương ứng 1.337,43 điểm và 2.842,80 điểm.

Chỉ qua 3 phiên chìm trong "sắc đỏ," tới phiên 27/7 Phố Wall đã ghi dấu phiên giao dịch ảm đạm nhất trong vòng 8 tuần do Nhà Trắng và phe Cộng hòa vẫn chưa ngã ngũ trong việc nâng mức trần nợ công và nguy cơ Mỹ để mất mức xếp hạng tín dụng hàng đầu AAA ngày càng gia tăng. Chốt phiên 27/7 Dow Jones để mất tới 1,59%, đóng cửa ở mức 12.302,55 điểm.

Chỉ số S&P 500 còn giảm mạnh hơn tới 2,03% xuống 1.304,89 điểm và mất điểm nhiều nhất là Nasdaq với 2,65% còn 2.764,79 điểm.

Phố Wall tiếp tục trồi sụt cho tới phiên cuối tuần 29/7 khi giới đầu tư giữ tâm lý chờ đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công trong bối cảnh thế giằng co giữa Nhà Trắng và phe Công hòa vẫn "căng" như dây đàn.

Trong ngày 29/7 ngay sau khi Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa đứng đầu bỏ phiếu thông qua dự luật mới về nâng mức trần nợ công theo hai giai đoạn nhằm cho phép Chính phủ Mỹ thực hiện các nghĩa vụ tài chính và tránh rơi vào cảnh vỡ nợ, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bác dự luật.

Như vậy cũng có nghĩa là sau những nỗ lực bất thành trong các cuộc thương lượng kéo dài nhiều tuần qua, hai phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải tiếp tục ngồi lại với nhau để đi đến một thỏa thuận có tính thỏa hiệp về nâng trần nợ công.

Nếu tới thời hạn 2/8 Quốc hội Mỹ không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ đã lên tới 14.294 tỷ USD hôm 16/5, Bộ Tài chính không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ, tình thế chắc chắn sẽ gây chấn động nền kinh tế thế giới và đẩy các thị trường tài chính vào làn sóng khủng hoảng thứ hai, mà thị trường chứng khoán không phải là ngoại lệ.

Một nhân tố nữa góp sức "nhấn chìm" Phố Wall là báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng 1,3% trong quý II, trong khi tăng trưởng của quý I sau khi được điều chỉnh chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế, tạo tâm lý ngày càng bi quan về tình hình kinh tế Mỹ.

Tính chung cả tuần Dow Jones giảm tới 4,2% và đóng cửa ở mức 12.143,24 điểm sau khi liên tục để mất điểm trong 6 phiên liền. Chỉ số S&P 500 để mất 3,9% xuống còn 1.292,28 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 3,6% còn 2.756,38 điểm./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục