TP.HCM: FDI và sản xuất công nghiệp tăng cao

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao chủ yếu là do công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố được thực hiện tốt, đạt hiệu quả, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nên thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11, thành phố sẽ tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; quản lý chặt chẽ một số mặt hàng đầu vào của sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến 20/10, tại Thành phố có 294 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,65 tỷ USD.

So với cùng kỳ 2009, số dự án giảm 0,34%, nhưng số vốn đăng ký gấp hai lần.

Ngoài ra, có 79 dự án tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng hơn 192 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư kể cả tăng vốn là 1,8 tỷ USD, tăng hơn 57% so cùng kỳ.

Đầu tư của nước ngoài tăng cao cho thấy kinh tế thành phố đã và đang tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, từ sau suy thoái kinh tế toàn cầu đến nay.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2010, ngày 28/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước đạt 56.126 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng gần 15% so với cùng kỳ. Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng ước đạt 487.368 tỷ đồng, tăng 14%.

Khu vực nhà nước tăng 4,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 17,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,4%. Đáng chú ý có 23/27 ngành sản xuất tăng so với cùng kỳ, đặc biệt 11 ngành tăng cao như da giày, sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị, thiết bị điện.

Tính chung 10 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 299.964 tỷ đồng, tăng hơn 29%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước hơn 17 tỷ USD, tăng 0,9%; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước khoảng 133.587 tỷ đồng, tăng hơn 23%;...

Lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố khoảng 2,6 triệu lượt, đạt 92% kế hoạch năm, tăng 25%, doanh thu đạt 11.979 tỷ đồng, tăng hơn 20%. Từ đầu năm đến nay thành phố cũng đã giải quyết việc làm cho trên 247.000 lao động, trong đó có 110.883 chỗ làm mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao như trên, chủ yếu là do công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố được thực hiện tốt, đạt hiệu quả, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nên thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11, ông Lê Hoàng Quân cho biết thành phố sẽ tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; quản lý chặt chẽ một số mặt hàng đầu vào của sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách, tìm hiểu những nguyên nhân và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách giải quyết tình hình ngập nước, khắc phục tình trạng sụt lún, kiểm tra thực hiện các dự án giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục