Cảnh báo sóng thần

Các nước ban bố cảnh báo sóng thần sau động đất

Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan đã yêu cầu người dân sơ tán khỏi bờ biển sau trận động đất làm rung chuyển khu vực ngoài khơi Sumatra.
Sau vụ động đất 8,9 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra, một loạt nước trong khu vực đang đưa ra cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân khẩn trương sơ tán khỏi các vùng bờ biển và theo dõi tình hình một cách chặt chẽ.

Chính phủ Sri Lanka cảnh báo sóng thần có thể ập vào bờ biển miền Đông đảo quốc này vào khoảng 10 giờ 40 (giờ GMT, tức 17 giờ 40 giờ Việt Nam) đồng thời lệnh cho người dân lập tức sơ tán khỏi bờ biển.

[Động đất 8,9 độ richter ngoài khơi bờ biển Sumatra]

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo về sóng thần tại quần đảo Nicobar và ra lệnh báo động tại các khu vực bờ biển bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh. Trung tâm cảnh cáo sớm về sóng thần của Ấn Độ đã nhận được hình ảnh về những cơn sóng lớn ở Ấn Độ Dương do động đất tại Indonesia gây chấn rung các khu vực này, lo ngại các đảo Andaman và Nicobar có thể phải hứng chịu những đợt sóng thần cao tới 3,9 mét.

Trung tâm Cảnh báo thảm họa quốc gia Thái Lan cũng khuyến cáo người dân sơ tán xa khỏi bờ biển và di chuyển tới các địa điểm cao. Trung tâm này cho biết một đợt sóng thần nhỏ với độ cao khoảng 10 cm đã xuất hiện ở bờ biển Andaman nước này sau trận động đất đầu tiên ở Indonesia. Malaysia ban bố cảnh báo sóng thần dọc theo bờ biển phía Tây. Ngoài ra, Australia, Maldives, Kenya, Tanzania...cũng đưa ra cảnh báo sóng thần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ, Australia và Anh, nguy cơ xảy ra sóng thần lớn sau trận động đất này dường như không cao. Nhà địa chấn học Susanne Sargeant của Việc Nghiên cứu địa chất Anh cho rằng biến động địa chấn gây ra trận động đất này là theo phương nằm ngang không phải theo chiều thẳng đứng và vì vậy dường như không gây biến động ở đáy biển, nguồn gốc tạo ra sóng thần lớn.

Mặc dù vậy, chuyên gia địa chất Daniel Jaksa của Australia nhận định chắc chắn sẽ có sóng thần ập vào bờ biển Sumatra và lúc này ngoài khơi đã có sóng thần cao khoảng 50 cm. Mức độ này vẫn nguy hiểm bởi chỉ cần sóng thần cao 20 cm là đủ nâng cả ô tô vì vậy không thể coi thường nguy cơ này.

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã giảm quy mô theo dõi nguy cơ sóng thần xuống chỉ còn trong phạm vi Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và vùng lãnh hải Diego Garcia.

Chuyên gia Victor Sardina của trung tâm này cho rằng không có khả năng xảy ra sóng thần nghiêm trọng như thảm họa năm 2004 hay như ở Nhật Bản hồi tháng Ba năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục