Lâm tặc tàn phá rừng nghiến Bắc Kạn

Bất chấp việc lực lượng kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn lập chốt kiểm soát mới nơi cửa rừng và các đoàn kiểm tra liên ngành được lập ra để tuần tra truy quét "lâm tặc", nhưng những cánh rừng nghiến hàng trăm năm tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ở huyện Na Rì vẫn tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.

Bất chấp việc lực lượng kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn lập chốt kiểm soát mới nơi cửa rừng và các đoàn kiểm tra liên ngành được lập ra để tuần tra truy quét "lâm tặc", nhưng những cánh rừng nghiến hàng trăm năm tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ở huyện Na Rì vẫn tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.

 Phải chăng chính quyền cơ sở và ngành chức năng đang bất lực trước lưỡi hái của "lâm tặc"?

Những thủ đoạn phá rừng mới

Đầu giờ sáng của ngày đầu Đông sương mù dăng kín cả núi rừng, phóng viên TTXVN đã thâm nhập vào rừng để tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc tàn phá rừng Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ như thế nào. Chúng tôi đã phải nhờ cậy anh Nông Văn Hưởng, từng là "lâm tặc" có tiếng ở địa phương, dẫn đường lên chỗ rừng bị phá, vì tất cả những người dân ở địa phương đều từ chối khéo do sợ "lâm tặc" trả thù.

Do cây nghiến chỉ sống ở trên núi đá, nên phải mất hơn 1 tiếng leo núi, chúng tôi mới đến được khu rừng núi đá giáp ranh giữa thôn Chè Cọ, Lủng Vai, Bản Cào xã Côn Minh. Những cây nghiến tới hàng trăm năm tuổi, đường kính từ 0,7 đến hơn 1m vừa mới bị chặt hạ, phần gốc đang ứa nhựa và thớ gỗ đỏ tươi, lá còn xanh, nhưng phần thân cây đã được xẻ phanh thành tấm cùng ngổn ngang bìa bắp. Cứ mỗi cây gỗ nghiến bị chặt hạ là cả khoảng cây rừng gẫy đổ theo. Chưa có ai thống kê những cây nghiến bị đốn hạ, nhưng theo anh Hưởng, số lượng cây bị chặt trong gần 1 tháng trở lại đây ít nhất phải đến vài chục.

Gần đây, để qua mặt kiểm lâm, "lâm tặc" đã thay đổi phương thức hoạt động, chuyển từ phá rừng ban ngày sang làm ban đêm và chỉ phá rừng ở những nơi có sóng điện thoại di động. Khi cán bộ kiểm lâm nghỉ, cán bộ địa phương mỗi người về một nhà, "lâm tặc" bắt đầu lên đường. Tranh thủ ánh sáng cuối chiều "lâm tặc" dùng dây bật mực vào những cây gỗ đốn hạ từ những ngày hôm trước để tối xẻ theo lốt mực đã vạch sẵn.

Để yên tâm xẻ và vận chuyển gỗ, họ thuê 2 trẻ em chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới, đóng giả người đi chăn trâu, với giá 50.000 đồng/đêm. Hai em này được trang bị điện thoại di động để có gì báo cho nhau. Sở dĩ phải có 2 em vì một em gác ở đường mòn dẫn lên rừng (cửa rừng), em còn lại có nhiệm vụ cầm điện thoại và soi đèn cho "lâm tặc" xẻ gỗ.

Gỗ sau khi xẻ thành thớt đường kính 44cm, dầy 18cm và các hộp có chiều dài 1,7m, rộng 25cm, dầy 6cm, "lâm tặc" lại thuê người dân vác ra cửa rừng, tập kết lại chỗ kín theo yêu cầu của chúng, với giá 40.000 đồng/hộp.Những người dân vác gỗ thuê được trang bị đèn pin cuốn vào trên trán để soi đường.

Mỗi khi tập kết được 3-5m3 gỗ ở cửa rừng, "lâm tặc" lại báo cho đầu nậu đến mua với giá 150.000-170.000 đồng/hộp và 180.000 đồng/thớt. Tất cả mọi việc diễn ra trong đêm tối và kết thúc vào 4hsáng. Sau đó, ai lại về nhà ấy, đến tối hôm sau lại bắt đầu công việc.

Một "điều luật bất thành văn" giữa các lâm tặc là khi một lâm tặc hạ được cây gỗ xuống thì coi như cây đó là của người đó, dù gỗ xẻ xong chưa vận chuyển và không có người trông coi nhưng lâm tặc không bao giờ lấy trộm của nhau. Trong quá trình phá rừng, mỗi người làm một khu vực khác nhau, nhưng khi thấy động lập tức báo cho nhau biết, để cùng rút lui.

Chính quyền ... bất lực hay quan liêu?

Trở về từ những cánh rừng bị phá tan hoang, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lộc Văn Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Côn Minh. Điều đáng ngạc nhiên là vị lãnh đạo địa phương này khẳng định nạn phá rừng đã bị dập tắt, rừng khu bảo tồn đã được bảo vệ an toàn.

Để chứng minh ông Thắng đưa ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, truy quét "lâm tặc" do ông làm trưởng đoàn. Tuy nhiên, khi được hỏi đoàn đã bắt được vụ phá rừng nào chưa, ông Thắng thản nhiên nói: "Chúng tôi vẫn chưa bắt được vụ nào!"

Ông Bùi Văn Định, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định: "Nạn phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã được dẹp yên." Tuy nhiên, khi được hỏi đã bao giờ ông lên rừng để kiểm tra, ông Định thừa nhận tất cả chỉ dựa vào báo cáo từ Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Và khi phóng viên TTXVN đưa ra bằng chứng về nạn phá rừng vẫn tiếp diễn, ông Định đã ngớ người ra.

Tuy nhiên sau khi trấn tĩnh, ông Định đã thanh minh rằng: Diện tích rừng bảo tồn quá lớn, mà Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chỉ có 11 kiểm lâm viên, bố trí ở 5 trạm, trung bình mỗi người quản lí trên 1.000ha, nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn và không thể bao quát hết được. Không những vậy, phương án truy quét các “điểm nóng” về phá rừng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt từ tháng 8, nhưng đến tận tháng 11 (gần hết năm) mới được cấp kinh phí nên ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, tâm lý của anh em, nhất là những người trong đoàn kiểm tra liên ngành nhưng không được ăn lương.

Trở lại sự việc, từ cuối tháng 9/2008, TTXVN đã đưa loạt tin, bài về nạn phá rừng gỗ nghiến tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ gây bức xúc trong dư luận quần chúng. Tiếp thu ý kiến dư luận và báo chí, lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn đã có phản ứng nhanh và tích cực trong việc xử lý vụ việc nhưng việc giữ rừng mới ở "đường nhựa" nên vẫn không ngăn chặn được tận gốc nạn phá rừng.

Dư luận cho rằng nạn phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đang ngày một gia tăng một phần là do tỉnh Bắc Kạn mới cấp phép cho Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tận thu hàng nghìn m3 gỗ nghiến tại Na Rì, khiến người dân trông giữ rừng nhiều đời nay tại đây bức xúc và đua nhau lên rừng để “tranh quyền lợi”. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần vào cuộc và có những biện pháp "mạnh tay" và hiệu quả hơn để nằn chặn tình trạng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục