Đại hội đồng Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão VN

TP Hồ Chí Minh (TTXVN) - Gần 500 đại biểu, trong đó có 125 mục sư và người hướng dẫn việc đạo ở 14 tỉnh, thành phố đã về dự Đại hội đồng lần thứ I Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam khai mạc sáng 19/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh (TTXVN) - Gần 500 đại biểu, trong đó có 125 mục sư và người hướng dẫn việc đạo ở 14 tỉnh, thành phố đã về dự Đại hội đồng lần thứ I Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam khai mạc sáng 19/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại hội đồng sẽ nhóm họp trong 3 ngày (từ 19-21/9) để bầu cử Hội đồng quản trị, thông qua Hiến chương, giáo luật, kỷ luật của Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam. Đây là một bước quan trọng để Hội Thánh hoàn tất các thủ tục pháp lý, tiến tới được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của một tổ chức tôn giáo.

Các đại biểu tham dự Đại hội đồng đã thống nhất xây dựng Hiến chương (9 chương, 64 điều) thể hiện phương hướng xây dựng Giáo hội bền vững, lâu dài, độc lập với các Giáo hội Trưởng lão ở Hoa Kỳ, theo tôn chỉ gắn bó Giáo hội với dân tộc, trung thành với Tổ quốc và đường hướng “Hết lòng thờ phượng Ba ngôi Đức Chúa Trời, kính Chúa, yêu người, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và tuân thủ pháp luật”.

Mục sư Lazarus Hendra Purwanta, Đại diện Hội đồng Liên tôn Giáo hội cải cách thế giới (REC), tới tham dự Đại hội đồng cùng nhiều Mục sư đến từ Hoa Kỳ, Indonesia, Canada và Hàn Quốc đã phát biểu chia sẻ niềm vui với các tín hữu Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam.

Ông bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí và sự giúp đỡ quý báu từ chính quyền các cấp của Việt Nam đối với các sinh hoạt của Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão; kêu gọi “sự dấn thân và thể hiện tinh thần sống yêu thương, cởi mở và hòa hợp” của các tín hữu đối với đời sống xã hội và những công việc thiện nguyện.

Chủ tịch lâm thời của Hội Thánh, Mục sư Nguyễn Bá Nha cho biết Hội Thánh hiện có 80 Thánh đường và nhà nguyện ở 14 tỉnh, thành phố với trên 8.000 tín hữu, trong đó 47 nơi đã được chính quyền địa phương cấp phép, những nơi chưa cấp phép vẫn sinh hoạt thờ phụng Chúa hàng tuần bình thường, không gặp bất cứ trở ngại nào.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân mong muốn các tín hữu Tin Lành Trưởng lão Việt Nam luôn phát huy những đặc tính tốt đẹp này, cùng các cộng đồng tôn giáo, dân tộc khác xây dựng một cuộc sống hòa hợp giữa đạo và đời ở các địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Ông cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường ngày càng thuận lợi cho các sinh hoạt tôn giáo, trong đó khẩn trương và kịp thời ban hành nhiều chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của các tôn giáo mới. Trong 3 năm qua, các chính sách này đã giúp 90% buôn có đồng bào theo đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên, 100 điểm nhóm Tin Lành mới của đồng bào dân tộc Mông ở khu vực miền núi phía Bắc đăng ký sinh hoạt và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng thuận lợi./.




 

Tin cùng chuyên mục