Lỗ hổng khai thác than

Khai thác than trái phép: Lỗ hổng có hệ thống?

Vụ việc phát hiện điểm khai thác than trái phép ở Hạ Long đang còn lình xình thì các bên liên quan đã vội vã tìm cách đẩy trách nhiệm.
Vụ việc phát hiện một điểm khai thác than trái phép ở tổ 9, khu 7, phường Hà Tu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang còn lình xình chưa tìm ra thủ phạm gây họa, mỏ than vẫn đang được san lấp hoàn nguyên lại thì các bên liên quan cũng vội vã tìm cách đẩy “quả bóng” trách nhiệm cho nhau.

Ngang nhiên khai thác than trái phép giữa lòng phố

Từ nhiều tháng nay, một moong than khai thác trái phép với quy mô lớn , diện tích lên tới hơn 2.000 m2 , chỉ nằm cách trục đường trung tâm thành phố Hạ Long chừng 1,3km, đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành than còn yếu ớt, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân sở tại.

Khu vực này nằm giáp với khai trường vỉa 11 và 14 của Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin. Điểm các đối tượng bốc xúc đất đá giáp với một số nhà dân, có nhà đã bị sụt lún, nứt do việc bốc xúc đất đá.

Có mặt tại hiện trường, các phóng viên đã ghi nhận một moong sâu có chiều dài chừng hơn 100m, rộng trên 20m, chiều sâu cũng có chỗ 5m, đã được bóc toàn bộ đất đá, cách đó khoảng vài mét là một bãi đổ thải đầy bã sít (đá thải và đá sít, đá sít là một dạng đá nhưng chưa đủ thời gian để biến đổi thành than).

Một số người dân dấu tên cho biết: khu vực này trước đây đã được một số đối tượng ký kết theo dạng thuê lại đất hoặc mua đứt cả một mảnh vườn rộng vài nghìn m2 với giá khá cao. Nhiều hộ đã nhận tiền và chuyển đi nơi khác, có 4 ngôi mộ của nhà ông Giang và ông Hải trên quả đồi gần đó cũng được các đối tượng "đền bù" để di chuyển đi nơi khác.

Ngay sau có được đất, các đối tượng khai thác than trái phép đã đưa máy móc thiết bị khẩn trương đào bới tìm than nên đã tạo ra một moong sâu như một khai trường khai thác lộ thiên.

Từ ngày 7/7, chính quyền địa phương đang cùng với Công ty Cổ phần than Núi Béo - Vinacomin  đã tiến hành san lấp mặt bằng để hoàn nguyên lại môi trường.

“Đá bóng trách nhiệm” cho nhau

Trong lúc chưa tìm ra thủ phạm của vụ khai thác than trái phép này, các bên liên quan đã tìm cách đưa đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho biết, tài nguyên than đã giao cho công ty cổ phần Than Núi Béo quản lý thì phía công ty phải có trách nhiệm quản lý hoặc phát hiện báo với chính quyền địa phương để cùng phối hợp.

Tuy nhiên, ông Mai Quảng Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Núi Béo lại cho rằng: điểm khai thác than trái phép trên không thuộc ranh giới mỏ mà chỉ thuộc phần ranh giới quản lý tài nguyên của công ty nên trách nhiệm chính vẫn thuộc về phía chính quyền địa phương.

Sự việc vỡ lở, các bên đều đưa ra những bằng chứng để minh chứng cho mình đã làm hết trách nhiệm quản lý. Phía Công ty cổ phần than Núi Béo thì đưa ra các công văn báo cáo về tình hình khai thác, vận chuyển than trái phép tại tổ 9, khu 7, phường Hà Tu với các cơ quan chức năng như Tập đoàn Vinacomin, Công an tỉnh, Ủy ban Nhân dân và công an phường Hà Tu.

Còn phía chính quyền địa phương thì đưa ra các quyết định xử phạt hành chính với các đối tượng vi phạm kể trên để minh chứng mình không đứng ngoài cuộc. Song dù các bên có đưa ra những minh chứng gì thì điểm khai thác than trái phép như ở tổ 9, khu 7, phường Hà Tu mỗi ngày một nhiều gây ra những bức xúc trong nhân dân.

Lỗi có hệ thống?

Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho biết: chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, chính quyền thành phố đã tổ chức triệt phá 500 điểm, lò khai thác than trái phép. Song vấn nạn này vẫn không có chiều hướng suy giảm bởi lợi nhuận từ việc khai thác than trái phép quá lớn. Ông Đan phải thừa nhận gần như “bó tay” với vấn nạn này bởi do chế tài xử lý hiện hành còn quá yếu, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm.

Ông Đan lý giải, hiện nay mức phạt 3 triệu đồng đối với vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng lần thứ 2 là không đủ sức răn đe đối với “than tặc”. Ông Đan nói: nếu được phép xử lý hình sự đối với đối tượng khai thác than trái phép và thắt chặt nguồn xuất khẩu than lậu thì có thể ngăn chặn hiệu quả vấn nạn trên. Song đáng tiếc khung xử lý hình sự về khai thác, vận chuyển than là quá lớn (khai thác, vận chuyển từ 700 tấn trở lên), trong khi các lực lượng chức năng chỉ bắt được một vài ba xe than, hoặc bắt quả tang số than tập kết tại các hầm lò cũng chỉ vài ba chục tấn nên “than tặc” nhờn với các khung hình phạt và càng coi thường pháp luật.

Một thực trạng khác, đa số các điểm mỏ khai thác than trái phép hiện nay đều nằm trong ranh giới quản lý của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhưng chưa được cấp phép khai thác.

Cũng vì chưa nằm trong kế hoạch khai thác, một diện tích không nhỏ là nhà ở của dân, hay đất rừng xen kẽ, nên về lý đất này vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương hoặc ngành lâm nghiệp. Như vậy, một mảnh đất có tới 2 hoặc 3 cơ quan quản lý chồng chéo, song vẫn để tình trạng khai thác than trái phép diễn ra hằng ngày.

Rõ ràng, để ngăn chặn vấn nạn khai thác, vận chuyển than trái phép ở Quảng Ninh cần có một chế tài mạnh hơn, một cơ chế phối hợp đồng bộ hơn nữa và đây cũng là sự mong mỏi của các nhà quản lý ở vùng đất mỏ này./.

 
* Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, chính quyền thành phố đã tổ chức triệt phá 500 điểm, lò khai thác than trái phép. Song vấn nạn này vẫn không có chiều hướng suy giảm bởi lợi nhuận từ việc khai thác than trái phép quá lớn.

* Mức phạt 3 triệu đồng đối với vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng lần thứ 2 là không đủ sức răn đe đối với “than tặc.”


Văn Đức-Mạnh Tú (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục