Trung Quốc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tương lai nước này và chính sách cải cách của Trung Quốc không đổi.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc 2012 diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tương lai của Trung Quốc và rằng "định hướng và chính sách trong công cuộc cải cách của Trung Quốc, cũng như việc mở cửa ra thế giới bên ngoài không thay đổi."

Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hơn 30 năm cải cách và mở cửa đã chứng tỏ rằng sức tăng trưởng và sự tiến bộ của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia ở mức 7,5% năm 2012, ghi dấu lần đầu tiên trong 8 năm qua, mục tiêu này nằm dưới mốc 8%. Sự đi xuống này (so với mức tăng trưởng 9,2% năm 2011) một phần do các vấn đề của kinh tế toàn cầu, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng "hy sinh" mức tăng trưởng cao để tiến tới sự cân bằng và ổn định hơn. Định hướng này cũng tạo điều kiện để tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và "dư âm" của nó cho thấy Trung Quốc cần cải tiến phương thức tăng trưởng - vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các loại hàng hóa không có giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường và "ngốn" nhiều vốn. Trung Quốc đang nắm trong tay nhiều ưu thế: nguồn cung hàng hóa dư dật, nhân lực dồi dào, tài chính rủng rỉnh và sự phát triển của công nghệ sẽ đảm bảo để kinh tế Trung Quốc đi lên.

Và quan trọng hơn, với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc có thể tạo ra một thị trường nội địa lớn để hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng ở cả trong và ngoài nước, và bù đắp cho hoạt động xuất khẩu sa sút.

Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia Glenn Stevens nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý được xu hướng đi xuống của nền kinh tế quốc gia để tránh nguy cơ hạ cánh "cứng" và duy trì sức tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, ông Stevens cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cần tìm ra một mô hình mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường nước ngoài (đối với các hàng xuất khẩu giá rẻ) và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa.

Australia là nền kinh tế duy nhất trong nhóm các nước đã phát triển không bị rơi vào bãi lầy suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chủ yếu là nhờ nhu cầu của Trung Quốc đối với khoáng sản của Australia để phục vụ hoạt động xây dựng bùng nổ./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục