OIC đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Syria

Ngoại trưởng các nước OIC đã thông qua đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Syria để phản ứng về tình trạng bạo lực ở nước này.
Tại cuộc họp ngày 13/8 ở thành phố Jeddah của Arập Xêút, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã thông qua đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Syria để phản ứng về tình trạng bạo lực kéo dài 17 tháng qua tại nước này.

Đề nghị này sẽ được gửi lên Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của OIC dự kiến diễn ra ngày 14-15/8 tại Mecca, Arập Xêút với nội dung chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột ở Syria.

Theo Tổng thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu, quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria đã được đa số tuyệt đối thông qua tại cuộc họp của các ngoại trưởng khối này. Một số nguồn tin cho biết Iran và Angieria phản đối đề nghị này.

Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố Tehran không nhất trí đình chỉ tư cách thành viên của Syria, cho rằng việc này "không phù hợp với Hiến chương OIC và không giúp giải quyết vấn đề." Theo quy định của OIC, quyết định chính thức về Syria sẽ có hiệu lực nếu được đa số 2/3 các nước thành viên thông qua.

Giới phân tích nhận định động thái trên của OIC mang tính tượng trưng nhiều hơn ý nghĩa thực tiễn đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện vẫn được sự ủng hộ của Iran. Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào để đạt được "sự chuyển tiếp khôn khéo" hết sức cần thiết ở Syria.

Ông Carney đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh dư luận đồn đoán về khả năng phương Tây áp đặt vùng cấm bay tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới mới đây sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, cho biết hai bên nhất trí cần phân tích sâu hơn về khả năng áp đặt biện pháp này.

Tuy nhiên, ông Carney không công khai nhắc tới giải pháp áp đặt vùng cấm bay, đồng thời nhấn mạnh rằng phương thức hiện tại của Mỹ, theo đó viện trợ phi quân sự cho lực lượng đối lập và áp đặt trừng phạt chính quyền Damacus là nhằm gia tăng sức ép đối với ông Assad.

Trong khi đó, nhiều sĩ quan quân đội Mỹ cảnh báo việc áp đặt vùng cấm bay có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc can thiệp quy mô lớn hơn, giống như tại Libya. Trong khi đó, nhóm đối lập Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) tiếp tục kêu gọi quốc tế áp đặt vùng cấm bay tại Syria giống như tại Libya trong cuộc xung đột hồi năm 2011.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu SNC Abdel Basset Sayda cho biết lực lượng đối lập muốn áp đặt hai vùng cấm bay, một ở miền Bắc, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và một ở miền Nam gần biên giới với Jordan.

Trong một diễn biến mới, lực lượng nổi dậy ở Syria tuyên bố đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ tại Muhasen, thuộc tỉnh Deir Ezzor sáng 13/8. Người phát ngôn Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập, Kassem Saadeddine cho biết: "Một chiếc MiG 23 đã bị bắn hạ bằng súng đại liên phòng không 14,5mm."

Một nhóm nổi dậy tự xưng là "Thanh niên Cách mạng vùng châu thổ Euphrates" thông báo đã bắt giữ phi công lái chiếc máy bay trên.

Trước đó, hãng thông tấn chính thức SANA của Syria đưa tin một chiếc máy bay quân sự đã gặp nạn do sự cố kỹ thuật khi đang tiến hành nhiệm vụ huấn luyện tại miền Đông Syria, song phi công đã kịp thoát ra khỏi máy bay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục