Những thách thức đe dọa sự phát triển của châu Á

Nhu cầu tăng trưởng toàn diện, quản lý tốt, môi trường bền vững chính là 3 thách thức quan trọng đe dọa sự phát triển của châu Á.
Châu Á đang đứng trước 3 thách thức quan trọng có thể đe dọa sự phát triển của khu vực, đó là nhu cầu tăng trưởng toàn diện, quản lý tốt và môi trường bền vững.

Nói cách khác, châu Á chỉ có thể trở thành khu vực phát triển trừ khi khu vực này duy trì mức tăng trưởng hợp lý, khôi phục cân bằng giữa phát triển và môi trường bền vững, tăng cường thực thi pháp luật và xóa bỏ nạn tham nhũng.

Đây là nhận xét của giới chuyên gia Mỹ trên tờ Thời báo Kinh doanh Toàn cầu số ra ngày 8/3.

Dẫn báo trên, phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết thách thức đầu tiên đe dọa sự phát triển của các nền kinh tế châu Á đó là tăng trưởng cao nhưng chưa hợp lý. Tăng trưởng có xu hướng gây bất bình đẳng xã hội lớn hơn, có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.

Để đạt được tăng trưởng toàn diện, các chính phủ châu Á phải xem lại hình mẫu kinh tế và thỏa thuận xã hội thông qua các cải cách chính sách xã hội, thuế và kinh tế. Thứ hai, tham nhũng và thực thi pháp luật đang là những điểm yếu của châu Á. Tham nhũng là thực trạng phổ biến ở hầu hết các nước châu Á.

Theo báo cáo của Cơ quan Minh bạch Quốc tế năm 2011, duy nhất Singapore đứng trong danh sách 10 nước và lãnh thổ ít tham nhũng nhất thế giới, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản đứng trong tốp 20.

Ngoài ra, thực thi pháp luật cũng là một yếu kém ở châu Á. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc thực thi pháp luật ở nhiều nước châu Á chưa được cải thiện. Trong thang điểm 100 về chỉ số thực thi pháp luật của cơ quan này đưa ra năm 2010, Singapore, Hong Kong và Nhật Bản được 90 điểm, Hàn Quốc và Đài Loan (Đài Loan) đạt 80 điểm.

Thứ ba, hầu hết các nước châu Á đã mắc sai lầm khi tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường. Hậu quả là, phần lớn các nước châu Á đều phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng. Đất đai thoái hóa và lương thực thực phẩm bị ô nhiễm. Các khu rừng nguyên sinh của châu Á đang dần biến mất, kéo theo các loài sinh vật và hệ sinh thái bị đe dọa.

Các chuyên gia khuyến cáo dù phát triển kinh tế là cần thiết, châu Á không được đánh giá thấp các thách thức nói trên và cần hướng tới mục tiêu trở thành khu vực công bằng hơn, quản lý tốt hơn và có thể bảo đảm chất lượng cuộc sống cho tất cả công dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục