Nơi khởi nguồn của nghĩa tình Việt Nam-Lào anh em

Ngày 24/4 tới, Khu Di tích lịch sử cách mạng Việt-Lào ở bản Lao Khô, giáp biên của tỉnh Sơn La, sẽ chính thức được khởi công xây dựng.
Vào ngày 24/4 tới, Khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào tại bản Lao Khô, một bản giáp biên thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, sẽ chính thức được khởi công xây dựng.

Đây là di tích quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định công nhận.

Khu di tích lịch sử có tổng diện tích khoảng 3.500m2, toàn bộ là rừng cây nguyên sinh. Sau khi hoàn thành xây dựng, đây sẽ là điểm du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào.

Trở về Phiêng Sa

Từ Trung tâm huyện lỵ Yên Châu theo Quốc lộ 6 hướng Hà Nội-Sơn La, rẽ trái theo Tỉnh lộ 103 vào đến Khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào khoảng 47km. Nơi đây có thể coi là một trong những điểm khởi nguồn của nghĩa tình Việt-Lào anh em.

Di tích lịch sử cánh mạng Việt-Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, là một di tích quan trọng chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào. Nơi đây ghi dấu các hoạt động cách mạng thời kỳ 1948-1950 của Ban xung phong Lào-Bắc do ông Kayson Phomvihane làm Trưởng ban và là người chủ trì thành lập Quân bản Itsala, tiền thân của quân đội nhân dân Lào ngày nay.

Theo tài liệu sưu tầm của Bảo tàng tỉnh Sơn La, mốc lịch sử quan trọng là ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy (Bộ Chỉ huy Liên khu 10) ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào-Bắc gồm 14 người. Ông Kayson Phomvihane được cử làm Trưởng ban xung phong, ông Thạo Hanh làm Phó Trưởng ban và ông Đông Tùng làm Chính trị viên. Ban xung phong Lào-Bắc đã chọn địa điểm Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (xã Chiềng On trước đây) làm nơi dừng chân, đồng thời xây dựng khu căn cứ cách mạng Việt-Lào, chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào-Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất Lào thời kỳ 1948-1950.

Trong lý lịch Khu di tích lịch sử cách mạng Việt-Lào của Bảo tàng tỉnh Sơn La còn ghi: tháng 4/1948, Ban xung phong Lào-Bắc hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Khu Phiêng Sa trước đây theo người dân địa phương gồm 4 bản của người Mông, nay thuộc bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Trong thời gian ở Lao Khô (năm 1948), Ban xung phong Lào-Bắc đã đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẳm Me hay còn gọi là Pha Me, Thẳm Mãng (giáp Việt Nam) và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay. Trong thời gian này, ông Kayson Phomvihane đã được tổ chức bố trí đến nhà ông Tráng Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa (Việt Nam ).

Người dân kể rằng, thời kỳ hoạt động bí mật ở Phiêng Sa, ông Kayson Phomvihane đã được người dân cưu mang. Đặc biệt, ông Kayson và ông Tráng Lao Khô cùng các thành viên trong gia đình đã “cắt máu ăn thề” kết tình anh em. Kể từ đó, giữa ông Kayson Phomvihane với gia đình ông Tráng Lao Khô trở thành anh em “gò sí lu, tùa sí chầu” - anh em sống chết có nhau, dựa lưng vào nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung.

Vùng đất Phiêng Sa có những ngọn núi cao từ 800-1.000m (so với mặt nước biển) tạo ra nhiều thung sâu, rừng già rậm rạp, ẩn chứa những hang động bên vách núi. Nếu muốn đến Phiêng Sa chỉ có luồn rừng theo lối con hươu, con nai mà đi. Nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là những con người thật thà, chất phác, có lòng căm thù giặc Tây, ghét tạo phìa, thống lý đè nén bóc lột dân lành. Bởi vậy, Phiêng Sa trở thành nơi đắc địa cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của các Ban du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Già làng ở bản Lao Khô kể: vùng đất này ngày xưa, ban ngày thì lính Tây, lính dõng đi càn, lùng sục từng nhà để tìm manh mối cán bộ Việt Minh, đêm đến thì nghe tiếng hổ gầm, cọp đến dình dập bên hiên nhà bắt lợn, trẻ con khóc vì đói, người lớn thì nằm queo quắp bên bếp lửa dít từng hơi thuốc phiện vào người một cách sầu muộn. Từ khi có bộ đội Quyết Tiến về đây, thằng Tây nó bỏ chạy. Người Mông ở Phiêng Sa mới có cuộc sống tự do, ơn bộ đội cụ Hồ, ơn Đảng suốt đời, nặng tình nghĩa Việt-Lào anh em.

“Sự tích” Lao Khô

Đứng trên mỏm núi đầu bản Lao Khô nhìn xuống, con suối Mơ Tươi vẫn chảy hiền hòa qua lũng nhỏ Phiêng Sa, nơi cách đây 63 năm về trước được chọn làm điểm tập kết của Ban xung phong Quyết Tiến Sơn La và Ban xung phong Lào-Bắc. Tại đây, huyện Yên Châu và huyện Xiềng Khọ của nước bạn Lào đã cùng nhau xây dựng khu căn cứ du kích, cơ sở bí mật đầu tiên từ bản Phiêng Sa, Đin Chí (Việt Nam) đến Lao Hùng (Lào), tạo tiền đề cơ bản để phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào phát triển.

Ban xung phong Lào-Bắc được đồng bào Phiêng Sa nuôi dấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở trong những năm hoạt động bí mật tại đây. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đồng bào Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, cũng như tiền của giúp Ban xung phong Lào-Bắc mua sắm vũ khí để phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, ông Lao Khô là người trực tiếp dẫn đường đưa cán bộ cách mạng Lào vào rừng hoạt động. Hàng ngày, ông Lao Khô mang lương thực, thực phẩm từ nhà mình đến hang Thẳm Me nuôi cán bộ Việt Minh cùng các đồng chí cán bộ nước bạn Lào. Đó là những hình ảnh ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt keo sơn của nhân dân huyện Yên Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào.

Ông Tráng Lao Lử, năm nay 72 tuổi là con cả của cụ Tráng Lao Khô kể rằng: Những năm 40 của thế kỷ trước, cán bộ Việt Minh nhiều lần đã đến nghỉ tại nhà mình, coi đây là chỗ tin cậy mà địch khó phát hiện được. Bởi lúc đó, bản chỉ có vài nóc nhà túm tụm vào nhau ở trên lưng chừng núi. Mái nhà thì lợp cỏ gianh, xung quanh có nhiều cây rừng che chắn, nên địch ở đồn Phiêng Sa không thể nhìn thấy.

Một lần, có 4 cán bộ Việt Minh hoạt động từ bên đất Lào trở về, nghỉ tại gia đình. Trong bốn cán bộ ấy có một người bị ốm nặng do mắc bệnh đậu mùa, trên người, mặt mọc đầy mụn đỏ mọng nước. Khi cán bộ Việt Minh rời khỏi nhà để tiếp tục lên đường, đến ngày thứ Ba thì nhiều người trong gia đình ông Lao Khô lăn ra ốm bởi bệnh đậu mùa lây lan. Hồi đó, không có thuốc chữa, bà con chỉ biết cúng chay hy vọng xua đuổi được “con ma” trong người, nhưng bệnh thì vẫn không khỏi, mà còn làm chết cùng lúc bảy đến tám mạng người của bản. Em ruột của ông Lao Khô cũng bị chết, ông Lao Lử cũng suýt mất mạng bởi căn bệnh lạ này, để lại di chứng là những cái sẹo trên khuôn mặt. Ông Lao Lử (cười) kể tiếp: May mà số tôi không bị “con ma” đậu mùa hồi đó bắt đi. Nếu không, tôi đã trở thành người thiên cổ mất rồi.

Khi biết được cảnh tang thương của gia đình, ông Kayson Phomvihane đã khuyên ông Lao Khô phải dời nhà qua một con suối, phải di chuyển ngay, không được ở chỗ cũ nữa, sẽ chết hết đấy. Ngay sau đó, ông Kayson cùng ông Lao Khô đi tìm chọn đất mới. Hai người lội qua con suối Mơ Tươi đến khu này, nơi nhà ông Lao Lử đang ở hiện nay. Nghe theo lời Kayson, gia đình ông Lao Khô dời nhà ở từ quả đồi phía tây Phiêng Sa qua bên này con suối (cách bản cũ khoảng 2 cây số đường rừng), đến đây lập bản mới gồm 4 hộ anh em. Nhà ông Lao Khô tiếp tục là nơi để cán bộ Lào-Việt qua lại nghỉ ngơi, hoạt động cách mạng và gia đình ông ở đây đến tận bây giờ.

Ông Lao Lử nhớ lại: Khi tôi còn nhỏ tuổi, một lần thấy nhiều bộ đội Việt Nam đến nghỉ chân tại gia đình. Bộ đội cũng vất vả ăn đói như dân, nhưng họ luôn lạc quan yêu đời. Bộ đội còn dạy cho tôi biết hát. Rồi ông Lử phấn khích hát vài câu: “Đường ta, ta cứ đi; Nhà ta, ta cứ xây; Ruộng ta, ta cứ cày…”

Ngày xưa khổ như thế, nhưng bà con ở đây vẫn giữ bí mật nuôi dấu cán bộ, bởi họ có lòng tin vào Đảng và chỉ có bộ đội cụ Hồ mới đánh đuổi được giặc Tây, mang lại cuộc sống ấm no cho dân lành.

Nhân lúc đang vui chuyện, chúng tôi hỏi: Tại sao lại có địa danh là Lao Khô. Ông Lử trả lời: Trước đây Phiêng Sa là địa danh chung cho cả thung lũng này. Bố tôi đến bản này đầu tiên, nên người ta quen gọi là bản ông Lao Khô. Đến năm 1962, bản này vẫn chưa chính thức có tên trên bản đồ.

Theo cán bộ văn hóa giải thích, bà con ở Phiêng Sa và ông Tráng Lao Khô có nhiều công lao trong việc giúp đỡ, nuôi dấu ông Kayson Phomvihane và Ban xung phong Lào-Bắc, nên được lấy tên riêng của ông Lao Khô đặt tên chung cho bản.

Gia đình ông Tráng Lao Lử hiện còn lưu giữ một số kỷ vật, đồ dùng sinh hoạt như ống đun nước bằng đồng, xanh đồng, ninh đồng, nồi đồng, vỏ chăn và còn nguyên vẹn cái cối xay ngô bằng đá đặt bên hiên nhà, hiện gia đình ông Lử hàng ngày vẫn dùng để xay ngô. Đó là những hiện vật có giá trị lịch sử mà gia đình ông Tráng Lao Khô và dân bản Lao Khô dùng để giúp đỡ Ban xung phong Lào-Bắc, đồng chí Kayson Phomvihane trong thời gian hoạt động cách mạng tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La từ năm 1948 đến 1950. Sau này, khi cách mạng thành công, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập, ông Kayson Phomvihane được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (2/1972) và giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 1991).

Đã hơn 63 năm trôi qua, nhưng đồng bào Mông ở bản Lao Khô vẫn nhớ về Ban xung phong Quyết Tiến, Ban Xung phong Lào-Bắc. Họ đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc với dân bản Lao Khô, đặc biệt là gia đình ông Tráng Lao Khô. Với những công lao to lớn đó, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương Hạng Ba cho nhân dân bản Lao Khô (tháng 10 năm 2009).

Bản Phiêng Sa trước đây và bản Lao Khô ngày này có gần 100 hộ dân tộc Mông với 530 nhân khẩu luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đời sống của bà con đã thoát đói nghèo, có đường ôtô về đến bản, có điện lưới quốc gia thắp sáng đến từng hộ. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân bản Lao Khô luôn giữ vững đoàn kết dòng họ, cùng nhau xây dựng bản nông thôn mới, định canh định cư, bài trừ hủ tục lạc hậu, trong bản không còn người nghiện hút, phấn đấu không còn hộ nghèo.

Bản có đủ lớp từ mẫu giáo đến tiểu học, cho trên 100 cháu đến học. Nhiều con em của bản sau khi tốt nghiệp đại học trở về quê hương và đang công tác tại các cơ quan tỉnh, huyện. Bản đã thành lập cụm liên gia tự quản đường biên mốc giới, phối hợp cùng bộ đội biên phòng Đồn 461 ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần gìn giữ, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đồi đời bền vững./.

Điêu Chính Tới (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục