Mua bán-sáp nhập tại VN có xu hướng tăng mạnh

Trong ba năm vừa qua, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Chỉ trong quý 1/2012 đã có trên 60 vụ đạt gần 2 tỷ USD.

Trong ba năm vừa qua, giá trị giao dịch mua bán-sáp nhập (M&A) tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo từng năm.

Năm 2009 ghi nhận 295 vụ với tổng giá trị 1,14 tỷ USD. Năm 2010 có 245 vụ với tổng giá trị 1,75 tỷ USD. Năm 2011 ghi nhận có 266 vụ với tổng giá trị giao dịch đạt kỷ lục là 6,25 tỷ USD. Chỉ trong quý 1/2012 đã có trên 60 vụ đạt giá trị gần 2 tỷ USD.

Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức bình quân trên 30%. Trong số này, trên 2,6 tỷ USD (khoảng 65%) là các giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, có thể nhìn nhận rằng M&A nói chung và M&A có yếu tố nước ngoài đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Những số liệu trên đã được công bố tại Hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ 2 với chủ đề “Mua bán và sáp nhập: Những tác động đến khu vực ASEAN” diễn ra ngày 13/9, ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị do  Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Chương trình hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Australia-New Zealand cùng tổ chức.

Đây là diễn đàn mở, tạo cơ hội gặp gỡ trao đổi cho các nhà lãnh đạo và đại diện của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand….

Hội nghị còn có sự tham gia của các diễn giả có kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu và quản lý hoạt động mua bán và sáp nhập; các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; các quỹ đầu tư; hãng luật và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực M&A.

Trong hai ngày 13 và 14/9, Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung như khuôn khổ pháp lý về M&A của các nước ASEAN, ảnh hưởng của các hoạt động M&A đối với các nước thành viên và khu vực ASEAN, kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý và giám sát các hoạt động M&A.

Đặc biệt, Hội nghị cũng chú trọng tới hoạt động M&A xuyên biên giới cách thức để tối ưu hóa lợi ích của hoạt động M&A đối với các nhóm lợi ích trong các nền kinh tế ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định hoạt động mua bán và sáp nhập có thể giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiến hành tái cơ cấu, qua đó mở rộng và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và góp phần giúp các nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Tuy nhiên, hoạt động tập trung kinh tế cũng tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và có thể gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy, các hoạt động tập trung kinh tế cần được điều chỉnh bởi khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh và có giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong ba năm vừa qua, giữa các nước khối ASEAN, các hoạt động M&A đã diễn ra rất sôi động. Trong năm 2011, giá trị giao dịch các thương vụ M&A giữa các nước ASEAN đạt 23,2 tỷ USD và chỉ trong nửa đầu năm 2012 con số này đã tăng vọt lên đến mức 26,2 tỷ USD./.

Hà Huy Hiệp (Vietnam +)

Tin cùng chuyên mục