Giải pháp giúp châu Phi vượt khủng hoảng HIV/AIDS

Châu Phi được kêu gọi phải đầu tư hơn nữa vào cuộc chiến HIV/AIDS, coi đây là giải pháp chủ chốt để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Ngày 3/2, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Tổng Giám đốc Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Michel Sidibé đã kêu gọi các chính phủ châu Phi đầu tư hơn nữa vào cuộc chiến chống HIV/AIDS, coi đây là giải pháp chủ chốt để châu lục này vượt qua cuộc khủng hoảng HIV/AIDS.

Tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, ông Michel nhấn mạnh tài trợ các phản ứng bền vững chống HIV/AIDS cần phải là giải pháp đổi mới và thiết thực có thể đáp ứng nhu cầu chống dịch bệnh nguy hiểm này ở châu Phi.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, châu Phi đã đạt được tiến bộ đáng lạc quan trong thập kỷ qua về giảm số ca lây nhiễm HIV mới trong trẻ em. Số trẻ em bị lây nhiễm HIV mới trong năm 2010 ở khu vực có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất thế giới là Tiểu sa mạc Sahara châu Phi đã giảm 30% so với năm 2001.

Tuy nhiên, 2/3 chi tiêu chống AIDS của châu Phi hiện nay là từ nguồn tài chính quốc tế. Đa số nguồn dược phẩm điều trị HIV/AIDS của châu Phi được nhập khẩu, vì vậy tuy giá thuốc thế giới đã giảm mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn quá cao và không thể chấp nhận được đối với người bệnh châu Phi. Châu Phi vẫn quá phụ thuộc vào các nguồn lực chống HIV/AIDS từ bên ngoài. Do các nguồn lực này đầy rủi ro và dễ biến động nên đã đến lúc châu Phi cần mô hình phát triển mới của riêng mình cho cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Tổng Giám đốc UNAIDS nêu bật những cơ hội tăng cường đầu tư tự thân của châu Phi vào cuộc chiến chống HIV. Phát triển các trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm có thể thúc đẩy năng lực sản xuất dược phẩm chống HIV và xây dựng các nền kinh tế tri thức ở châu Phi.

Châu lục này cần đầu tư 11-12 tỷ USD cho cuộc chiến này vào năm 2015, tăng 3-4 tỷ USD so với hiện nay, từ các nguồn tài chính khác, như nguồn thu thuế rượu, thuốc lá và các nguồn tài chính từ khu vực tư nhân trên cơ sở hiệu quả đối tác công và tư nhân, cũng như từ nguồn tín dụng lãi suất thấp của Ngân hàng Phát triển châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục