Các nước kêu gọi sớm chấm dứt khủng hoảng Syria

Ông Ban Ki-moon kêu gọi bất cứ ai có ảnh hưởng với các bên tham chiến ở Syria hãy làm tất cả những gì có thể chấm dứt xung đột tại đây.
Ngày 26/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có phiên họp cấp cao về Trung Đông tại New York, Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định cuộc xung đột vũ trang ở Syria đang đe dọa hòa bình và an ninh của cả khu vực Trung Đông và toàn thế giới nói chung.

Ông cho biết một hình ảnh bao trùm hiện nay ở Syria là chết chóc, nhà cửa bị phá hủy, trẻ em thiếu ăn, suy dinh dưỡng.

Ông kêu gọi bất cứ ai có ảnh hưởng với các bên tham chiến hãy làm tất cả những gì có thể để mọi người hiểu rằng quân sự không thể là giải pháp cho cuộc xung đột này.

[Giao tranh dữ dội trong trụ sở quân đội ở Damascus]

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng để chấm dứt bạo lực và khởi động tiến trình đối thoại chính trị ở Syria, các bên tham chiến, cũng như các nước liên quan phải tôn trọng và thực thi nghiêm túc bản tuyên bố cuối cùng do cuộc gặp cấp bộ trưởng của "Nhóm làm việc" thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30/6 vừa qua.

Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hối thúc cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì hướng đi đúng đắn là tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Ông cho rằng vấn đề này không chỉ là mối lo ngại về tương lai và vận mệnh của Syria và người dân nước này, mà còn là toàn bộ nền hòa bình và sự ổn định ở Trung Đông.

Ông kêu gọi ủng hộ sứ mệnh của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và AL Lakhdar Brahimi và tất cả các bên ở Syria nên sớm thực thi các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Kofi Annan.

Tại phiên họp này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Hội đồng Bảo an thực hiện các nỗ lực mới để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria và không để bạo lực lan sang các nước khác.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhấn mạnh: "Chúng ta phải thống nhất để chấm dứt bạo lực và giúp khởi động một tiến trình chuyển giao chính trị, tìm ra một giải pháp chung cho nhân dân Syria."

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi kêu gọi Hội đồng Bảo an nên ủng hộ Đặc phái viên Brahimi bằng việc đưa ra các nghị quyết về Syria để "gắn kết tất cả các bên."

Cùng ngày, bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các ngoại trưởng Arập đã có cuộc gặp Đặc phái viên Brahimi và cho biết họ đang cân nhắc trước những lời kêu gọi về sự can thiệp của khối Arập vào cuộc xung đột ở Syria.

Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki cho biết: "Các nước Arập đã cố gắng thúc đẩy một giải pháp hòa bình, song nếu cần thiết, sẽ phải huy động một lực lượng gìn giữ hòa bình Arập."

Trước đó, Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc cho phép Arập can thiệp vào Syria.

Cũng tại NewYork, Ủy viên châu Âu về hỗ trợ nhân đạo Kristalina Georgieva đã có cuộc gặp với các tổ chức phi chính phủ và các nước chủ chốt tham gia cung cấp hỗ trợ cho Syria. Tại cuộc gặp, các nhóm cứu trợ kêu gọi Syria tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với người dân tại vùng chiến sự.

Bà Georgieva kêu gọi hai bên xung đột tại Syria tôn trọng các quy định của chiến tranh và luật pháp quốc tế. Theo bà, hiện tổng trị giá viện trợ khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Syria đã lên tới 283 triệu USD, tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn thế vì tình hình đang ngày càng tồi tệ và ngày càng có nhiều người gặp nguy hiểm.

Theo người phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc Valerie Amos, hiện 2,5 triệu người đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chiến sự tại Syria và đang cần trợ giúp. Khoảng 1,2 triệu người đã di chuyển chỗ ở bên trong Syria và hơn 300.000 người phải tị nạn ở các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Trong khi đó, tại Nicosia (đảo Síp), các Bộ trưởng Quốc phòng EU đã có cuộc họp không chính thức về Syria. Tại cuộc họp, các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xung đột tại Syria lan ra toàn khu vực, đồng thời cho biết hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Đặc phái viên Brahimi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây.

["Đối thoại là cách thức giải quyết khủng hoảng Syria"]

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Yasser Ali của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thông báo Tổng thống đã quyết định hủy một hội nghị của bốn cường quốc khu vực bàn về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria, vì Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không thể tham dự.

Ông Ali nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng tình hình tại Syria có thể được giải quyết thông qua các cuộc thương lượng và không can thiệp quân sự."

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày ở NewYork, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết Tehran đang tìm cách thành lập một nhóm tiếp xúc riêng để tham gia giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Ông Ahmadinejad nói: “Chúng tôi cố gắng mở đường cho cuộc đối thoại dân tộc và hòa hợp dân tộc giữa hai bên trong cuộc xung đột Syria và chúng tôi đang nỗ lực để duy trì và thành lập một nhóm tiếp xúc gồm nhiều nước khác nhau.”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục