Một phụ nữ Arập Xêút bị đi tù vì không vâng lời bố

Một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Arập Xêút yêu cầu trả tự do cho một phụ nữ 32 tuổi đang bị tù vì đã không vâng lời bố của mình.
Một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Arập Xêút ngày 18/10 đã yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho một phụ nữ 32 tuổi đang bị tù sau khi kêu gọi cơ quan tư pháp nước này giải thoát cho người phụ nữ trên khỏi sự độc đoán từ người bố.

Trong một thông cáo báo chí, tổ chức Human Rights First đã cáo buộc các nhà chức trách duy trì bất hợp pháp và tai tiếng việc giam giữ Samar Badaoui, bị tù từ 6 tháng qua, mà không có xét xử cũng như cáo trạng, vì cho rằng người phụ nữ này đã không vâng lời bố của mình, người giám hộ hợp pháp.

Arập Xêút, một quốc gia vùng Vịnh áp dụng một cách chặt chẽ luật Hồi giáo, cấm đàn ông và phụ nữ không có mối quan hệ họ hàng có những cử chỉ thân mật với nhau, cấm phụ nữ đi làm, đi chơi, kết hôn và đi khám bệnh nếu chưa có sự cho phép của người đàn ông trong gia đình, đồng thời là người giám hộ hợp pháp.

Samar Badaoui, đã ly hôn và có một con, đã phải cầu viện tới cơ quan tư pháp để yêu cầu bố của mình, theo như Badaoui, đã phải chịu sự đối xử rất tồi tệ ngay từ khi còn bé, không được làm giám hộ hợp pháp cho mình nữa.

Vị thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu này và đã ra lệnh tống giam Badaoui. Tổ chức Human Rights First đã kêu gọi Vua Abdallah ben Abdel Aziz can thiệp nhằm trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho Badaoui và xóa bỏ hệ thống giám hộ tại quốc gia này.

Thông cáo báo chí của tổ chức này khẳng định, nếu vị thế và quyền của phụ nữ Arập Xêút không được thừa nhận, thì mọi sự cải cách liên quan đến phụ nữ sẽ chỉ mang tính hình thức bên ngoài và không có bất cứ một tác động nào cả.

Tháng 7/2009, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã tố cáo những cam kết không có trách nhiệm của nhà chức trách Arập Xêút liên quan đến cải thiện quyền của phụ nữ.

Tổ chức này khẳng định, các nhà lãnh đạo Arập Xêút tiếp tục yêu cầu phụ nữ nước này cho phép giám hộ ngay cả những hoạt động cơ bản nhất như đi du lịch, đi khám bệnh cho dù đã có những bảo đảm từ chính phủ khẳng định rằng, sự cho phép này là không cần thiết./.

Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục