Hội lịch sử cần chú ý chứng cứ chủ quyền đất nước

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cần quan tâm đến bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (2010-2015) của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngày 11/11, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ sự trân trọng đối với những nhà sử học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, đội ngũ những nhà sử học là những nhà hoạt động cách mạng có tên tuổi, đồng thời biểu dương những thành tựu mà Hội đã đạt được trong 44 năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ V.

Trong nhiệm kỳ mới, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cũng yêu cầu Hội cần phấn đấu để tập hợp rộng rãi giới sử học và những lực lượng xã hội quan tâm đến lịch sử, góp phần nâng chất lượng các hoạt động sử học, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, đấu tranh chống những khuynh hướng xuyên tạc lịch sử, làm phương hại đến lợi ích dân tộc.

Ông lưu ý Hội cần đặc biệt quan tâm đến lịch sử hiện đại gắn liền với những chiến công và thành tựu to lớn của dân tộc đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới; quan tâm đến những bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước, đến việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức lịch sử trong và ngoài nhà trường; nâng cao nhận thức, kiến thức về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ...

Trong nhiệm kỳ V, hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu của khoa học lịch sử, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến tri thức lịch sử trong xã hội, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Công tác tư vấn, giám định và phản biện các dự án và hoạt động liên quan đến lịch sử và văn hóa luôn luôn được Hội quan tâm với nhiều đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, được dư luận xã hội hoan nghênh và nhiều cơ quan chức năng chấp thuận.

Đặc biệt, Hội đã góp phần quan trọng trong bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, xây dựng và bảo vệ hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới cũng như tích cực cùng Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội tham gia và tổ chức nhiều đề tài, hội thảo và hoạt động khoa học kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hội cũng tổ chức những diễn đàn sử học đóng góp nhiều kiến nghị cụ thể vào việc khắc phục tình trạng xuống cấp của việc dạy và học sử trong giáo dục phổ thông, bào tồn di sản văn hóa dân tộc. Hội đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm việc biên soạn Lược sử vùng đất Nam bộ, Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và đang triển khai đề án "Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ" góp phần tích cực nâng cao hiểu biết của xã hội về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Nhân dịp này, thay mặt Hội, giáo sư Phan Huy Lê đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học tặng ông Trương Tấn Sang; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông  Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế. Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tặng Cờ thi đua cho Hội./.

Hoàng Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục