Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch biên giới

VN có trên 4.550km biên giới đất liền, có 25 tỉnh biên giới với 42 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch.
Lần đầu tiên hội thảo về chủ đề "Phát triển du lịch biên giới" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành hữu quan, các tỉnh có biên giới đường bộ và 60 doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ Kiên Giang đến Lạng Sơn đã được tổ chức tại thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

Du lịch biên giới có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng bởi Việt Nam có trên 4.550km biên giới đất liền, có 25 tỉnh biên giới với 42 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn.

Cùng với phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở giao thông tại các tỉnh biên giới được nâng cấp, cửa khẩu quốc tế đường bộ được mở rộng, nhiều chính sách, biện pháp của Chính phủ, của ngành và địa phương tạo điều kiện cho phát triển du lịch biên giới; tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực du lịch hàng năm tăng cao...

Tuy nhiên, trên thực tế du lịch biên giới phát triển chưa tương xứng với tiềm năng (lượng khách quốc tế vào cửa khẩu đường bộ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%), là do đầu tư cho phát triển du lịch tại các tỉnh biên giới còn hạn chế; kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đón khách du lịch; công tác tiếp thị, quảng bá thu hút khách quốc tế, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho các tỉnh biên giới còn hạn chế...

Hội thảo đã đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy du lịch biên giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; phát triển du lịch biên giới gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng; xây dựng giải pháp cải cách quy trình thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường bộ; chính sách, định hướng phát triển hạ tầng, giao thông tại các tỉnh biên giới của Việt Nam.

Các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Kon Tum, Tây Ninh, An Giang và một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã có tham luận đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch biên giới và nêu lên những kinh nghiệm tổ chức tour du lịch xuyên biên giới qua cửa khẩu.

Các đại biểu dự hội thảo đã khẳng định hệ thống cửa khẩu quốc tế trên biên giới đất liền có ý nghĩa và tiềm năng to lớn đối với hoạt động du lịch biên giới từ đó trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội trong nước phát triển. Do vậy giải pháp về cơ chế chính sách, về quy hoạch du lịch, đầu tư hạ tầng, đầu tư nguồn lực, công tác quản lý và coi trọng du lịch cộng đồng tại các tỉnh biên giới cần được quan tâm đúng mức hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục