Suối vàng Ngân Sơn bị đào đãi trái phép

Từ khi giá vàng lên trên 1,4 triệu đồng/chỉ, hầu khắp các con suối thuộc hạ lưu của mỏ vàng gốc Pác Lạng, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã sôi động hơn bao giờ hết. Người dân khắp nơi đến khai thác vàng trái phép, với những phương tiện hiện đại, nước đãi vàng đã làm đỏ đục dòng sông Bắc Giang và làm mất nhiều ha đất trồng lúa màu của dân bản địa.

Từ khi giá vàng lên trên 1,4 triệu đồng/chỉ, hầu khắp các con suối thuộc hạ lưu của mỏ vàng gốc Pác Lạng, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã sôi động hơn bao giờ hết. Người dân khắp nơi đến khai thác vàng trái phép, với những phương tiện hiện đại, nước đãi vàng đã làm đỏ đục dòng sông Bắc Giang và làm mất nhiều ha đất trồng lúa màu của dân bản địa.

Phá “bờ xôi ruộng mật” để lấy vàng

Vật lộn với chiếc xe máy cà tàng gần 100km đường đèo núi quanh co, chúng tôi đến suối vàng huyện Ngân Sơn. Theo một người bản địa dẫn đường, chỉ hơn một giờ đi bộ tắt theo sườn núi, dòng suối nhỏ dài khoảng 4km chảy qua cánh đồng thôn Na Y, Bản Sành, Nà Pài, Hang Slậu... hiện ra với những hang hố nham nhở, các lán trại tạm bợ dựng ngay bên moong khai thác.

Chỉ đếm sơ bộ đầu suối Nà Y có đến 20 tổ khai thác vàng trái phép, 11 chiếc máy xúc, 30 máy nổ và nhiều sàng tuyển vàng đua nhau gầm rú. Họ khai thác vàng trái phép giữa thanh thiên bạch nhật và vô tư xả đất thải ra suối Nà Y, khiến dòng suối nhỏ đỏ đục như cháo loãng suốt ngày đêm, đưa đất cát và nước đục đi hàng chục km, vượt qua địa phận huyện Ngân Sơn và chảy qua cả thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì.

Những hang hố được đào bằng máy chỗ sâu thì hơn chục mét, chỗ nông cũng 3 - 5m. Những hố sau khai thác vàng là bãi sỏi đá chất cao ngất như ngọn núi, còn hang nước thì sâu thẳm, không ai dám đến gần. Đã có trâu bò, thậm trí cả người dân chết do lỡ chân trượt xuống hố vàng.

Anh Doanh Thiêm Huy, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Ân, cho hay dọc bờ suối Nà Y có vài ha ruộng 2 vụ lúa và nhiều ha soi bãi trồng ngô, đậu tương đã bị đào phá để tìm vàng. Chỗ nào lấy xong vàng, đất ở đó đành bỏ hoang vì không thể trồng cấy loại cây gì, bởi ruộng biến thành bãi sỏi đá. Bà Nông Thị Bì, thôn Bó Khiếu vì muốn mau đổi đời nên nghe theo vàng tặc, giữa tháng 5/2009, bà đồng ý cho họ đưa máy xúc vào đào ruộng tìm vàng. Lúc chia nhau bà được có mấy chỉ vàng, trong khi 2.000 m2 ruộng lúa và hơn 1ha soi bãi trồng ngô để trồng ngô đã giúp nhà bà duy trì cuộc sống nhiều năm biến thành bãi hoang hoá. Giờ bà rơi vào cảnh trắng tay đất sản xuất, chưa biết vụ tới lấy gì để ăn...

Chính quyền vẫn...bó tay

Việc khai thác vàng trái phép tại huyện Ngân Sơn là việc làm thường xuyên của người dân bản địa từ hàng chục năm về trước. Lối khai thác thủ công của người dân nơi đây cũng chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống, không có tích luỹ hoặc làm giàu, song môi trường và ruộng đất canh tác luôn được giữ vững, an ninh trật tự đảm bảo, bởi người dân vừa có ý thức trong việc khai thác.

Chỉ từ khi giá vàng tăng cao, người dân nơi khác đưa máy móc đến hợp đồng với dân khai thác đất ruộng và soi bãi, an ninh trật tự mới bị đảo lộn vì một số người dân nuôi hy vọng dưới đất ruộng nhà mình có ổ vàng nên thoả thuận ăn chia và sẵn lòng để vàng tặc cho máy về đào bới.

Chính quyền thôn, xã và huyện Ngân Sơn đã nhiều lần giải tỏa, lập biên bản nhắc nhở và xử lý hành chính, nhưng được mấy ngày thì đâu lại vào đó. Vì xã quá xa thôn, khi đoàn kiểm tra đến nơi thì vàng tặc đã làm biến dạng ruộng đất, máy móc đã đưa ra khỏi nơi khai thác, rất khó xác định vi phạm.

Anh Phạm Ngọc Sang, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ngân Sơn, cho biết thêm vàng tặc không chỉ lộng hành ở Thượng Ân mà còn diễn ra ở các xã Thuần Mang, Thượng Quang, Đức Vân. Việc dẹp nạn vàng tặc cũng chẳng đơn giản, bởi sự liên kết giữa người dân bản địa với “vàng tặc cao cấp” rất tinh vi. Huyện đã vào cuộc nhiều lần nhưng không làm nổi, bởi chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh, lực lượng mỏng, rừng núi hiểm trở, phương tiện liên lạc cự ly ngắn của lực lượng chức năng không thể bằng vàng tặc, nên chúng thường qua mặt và coi thường luôn lực lượng chức năng.

Việc xóa bỏ nạn khai thác vàng trái phép tại nơi vùng sâu huyện Ngân Sơn là quá khó, bởi các bãi khai thác vàng trái phép chủ yếu là điểm vàng sa khoáng nhỏ lẻ dọc theo suối, trữ lượng ít, rừng núi lại hiểm trở. Còn việc duy trì lực lượng truy quét hàng tháng vừa tốn kém lại không hiệu quả bởi vàng vẫn bị mất, nhà nước lại thất thu ngân sách, người dân do nóng vội nên làm bừa, có khi chẳng được vàng lại bị mất đất sản xuất dẫn đến hệ luỵ cho đời sau.

Tỉnh Bắc Kạn cần có giải pháp cho các doanh nghiệp được phép khai thác các điểm vàng nhỏ lẻ và hoàn thổ sau khai thác, vừa để tận thu tài nguyên đồng thời giữ được đất sản xuất nông nghiệp mới là bài toán kinh tế hiệu quả và ổn định dân sinh về dài lâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục